A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ba Nghị quyết về kinh tế của Đảng

 

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã  ban hành 3 Nghị quyết về kinh tế gồm: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Trong đó có các Nghị quyết thể hiện quyết tâm chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành cơ cấu sở hữu hỗn hợp và đưa kinh tế tư nhân phát triển ở mọi lĩnh vực.

 

Hội nghị Trung ương 5 nhận định, thời gian qua dù còn nhiều hạn chế nhưng về tổng thể, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), gồm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, đã nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều kết quả...Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là nguồn thu lớn của ngân sách Nhà nước; đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Trong thời gian tới, các cấp liên quan cần nghiêm túc triển khai các chủ trương, biện pháp mới, có tính đột phá như đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết DNNN thành doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Khẩn trương hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN  “móc ngoặc” để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp...Đây là nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua.

 

Cũng trong bài phát biểu này,  khi nói về vai trò của kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có nhiều thay đổi. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, đã thừa nhận đây “là một trong những động lực” và đến nay trở thành “một động lực quan trọng” của nền kinh tế. Tỷ trọng của khu vực này đang chiếm từ 39-40% GDP cả nước. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, vươn tầm ra thế giới đã được hình thành. Nghị quyết của Đảng đề ra yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

 

Hữu Văn 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ