A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Arab Saudi: Điểm nóng mới ở Trung Đông, vùng Vịnh?

 

QPTĐ- Tình hình Trung Đông, vùng Vịnh luôn bị đốt nóng bởi xung đột vũ trang, khủng bố và cuộc chiến dầu mỏ. Mấy thập kỷ qua, nội chiến và khủng bố quốc tế trỗi dậy mạnh mẽ ở Afgahnistan, Iraq, Syria, Libya, Yemen cùng với chương trình tên lửa, hạt nhân của Iran đã kéo theo hàng chục quốc gia tham chiến, giương cao ngọn cờ chống khủng bố. Là đồng minh thân cận của Mỹ, Arab Saudi luôn đi tiên phong, xung kích trong các hoạt động chinh phạt của Washington ở khu vực, đồng thời lôi kéo, dẫn dắt các quốc gia Arab, vùng Vịnh cùng hậu thuẫn Mỹ. Nhưng gần đây, chính Arab Saudi lại là điểm nổ của những sự kiện gây rung động vùng Vịnh?

 

 

Arab Saudi, một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.


Mở đầu là tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm vận đối với Qatar của các nước Arab (AL) do Arab Saudi cầm đầu (6/2017) với cáo buộc Chính phủ Doha tài trợ khủng bố? Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh này kéo dài đã hơn nửa năm chưa đến hồi kết, mặc cho nhiều quốc gia đứng ra làm trung gian hòa giải. Khối các nước Arab cho rằng, Vương quốc Qatar bé nhỏ, nguồn sinh hoạt của dân chúng phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu thì sẽ không chịu nổi 1 tháng bao vây cấm vận?

 

Nhưng sự thể lại khác! Qatar có cách giải thoát kỳ lạ với hàng hóa nhập khẩu đường không từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là cả binh sĩ Thổ, Vệ binh Iran lập tức tràn sang bảo vệ Hoàng gia! Qatar chi hàng chục tỷ USD mua vũ khí Mỹ, bắt tay với Nga. Với chính sách “ngoại giao đô la” quen thuộc, đầy sức mạnh của vương quốc dầu mỏ này đã làm con bài cấm vận của Khối Arab phá sản. Thủ lĩnh Khối AL-Chính phủ Riyadh bẽ bàng! 


Đầu tháng 11 vừa qua, Thái tử Muhammad ra lệnh bắt giữ 38 quan chức cấp cao Chính phủ Arab Saudi trong đó có 4 Bộ trưởng, 11 Hoàng tử và 10 cựu Bộ trưởng với cáo buộc tham nhũng. Đây được xem là chiến dịch làm trong sạch bộ máy Nhà nước, sau khi vị Thái tử 32 tuổi này lên cầm quyền (6/2017), chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực từ Quốc vương Salman (81 tuổi) vào thời gian tới.

 

Trong số người bị bắt có Hoàng tử Al-Waleed bin Talal, 62 tuổi, cháu trai Quốc vương Salman, anh họ của Thái tử Muhammad, nhà tỷ phú này nắm trong tay khối tài sản 18,7 tỷ USD. Hàng loạt chức vụ quan trọng trong Chính phủ bị thay đổi. Hoàng tử Miteb mất chức Bộ trưởng Quốc phòng, bị cầm tù, thay vào đó là Hoàng tử Khaled; Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch A.Fakeih bị loại bỏ, thay thế bởi Mohammed Al-Tuwaijri; Tư lệnh Hải quân Abdullanh Al-Sultan bị miễn nhiệm thay vào là Đô đốc Fahad Al-Ghofaili. 


Theo Phát ngôn viên Hoàng gia, cuộc chiến chống tham nhũng và thay thế các vị trí chủ chốt thành viên Chính phủ là kế hoạch đầy tham vọng của Arab Saudi với “Tầm nhìn 2030”, biến nước này thành một quốc gia có tiềm lực mạnh mẽ về kinh tế mà không lệ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Thái tử Mahammad được giới chức Nhà Trắng ủng hộ với phong độ “năng động, nhanh nhẹn, trẻ trung”, giữ chức Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng Hoàng gia, lại được Vua cha giao toàn quyền hành động nên dù bị dư luận nghi ngờ, đây là cuộc chiến củng cố ngôi vị hay cuộc chiến tiền-quyền thì cũng là sự khẳng định quyền lực cho gia tộc và tỏ thái độ với các đồng minh.


 Tuần qua, Arab Saudi cáo buộc Iran “có hành động gây hấn quân sự trực tiếp”. Bằng chứng Riyadh đưa ra là Tehran cung cấp tên lửa cho phiến quân Houthi ở Yemen, sau khi quân đội nước này đánh chặn một quả tên lửa đạn đạo bắn vào thủ đô Riyadh (4/11). Hôm sau (5/11), Hoàng tử Mansour, Phó Thống đốc vùng Asir cùng 8 quan chức cấp cao Arab Saudi thiệt mạng do trực thăng bị tấn công gần biên giới Yemen, nơi quân Houthi tác chiến.

 

Lập tức, Ngoại trưởng Iran M.Zarif bác bỏ cáo buộc này và cho rằng, tuyên bố của Riyadh là “trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”. Bộ Ngoại giao Iran cũng khẳng định: Cáo buộc của Arab Saudi là “phá hoại, vô trách nhiệm, khiêu khích, vô căn cứ”, đồng thời cho rằng, vụ bắn tên lửa là “phản ứng độc lập” của người dân Yemen trước các cuộc tấn công của Riyadh và đồng minh. 


Arab Saudi và Iran có mối bất hòa từ lâu. Xung đột biên giới Yemen và Arab Saudi xảy ra từ năm 2013. Tháng 3/2015, liên quân vùng Vịnh do Arab Saudi dẫn đầu tấn công Phong trào Houthi, bảo vệ Chính phủ Yemen của Tổng thống A.Hadi được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận; trong khi Iran hậu thuẫn phe Hồi giáo Sheite Houthi đưa Tổng thống trẻ bị lật đổ A.Saleh trở lại cầm quyền. Xung đột Yemen trong 3 năm qua làm hàng chục ngàn người thiệt mạng, 1/3 cư dân nước này lâm cảnh khốn cùng. Liên quân vùng Vịnh đang sa lầy ở Yemen! 


Theo tin tình báo, quân Houthi, Hezbollah-Liban được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó có 5 loại tên lửa đạn đạo do Iran, Triều Tiên, Liên Xô chế tạo có tầm bắn 1.000-1.800km. Các căn cứ quân sự của Riyadh thường xuyên bị đạn pháo của Houthi tấn công gây nhiều thương vong cho binh sĩ. Tên lửa của Houthi có thể bắn đến lãnh thổ Arab Saudi, UEA, Israel? Trên chiến trường, được Tehran và liên minh hậu thuẫn, quân Houthi tác chiến hiệu quả ở Yemen, Hezbollah sát cánh cùng quân đội Syria, Vệ binh Iran giành thắng lợi tại Syria, không khỏi làm các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, vùng Vịnh lo ngại? Giới quân sự dự báo, một cuộc chiến xảy ra ở Trung Đông: Arab Saudi-Iran? Israel-Iran?


Căng thẳng ngoại giao Trung Đông làm nhiều nước lo ngại. Phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Iran H.Rouhani tái khẳng định sự ủng hộ của Iran đối với sự phát triển của các nước trong khu vực bao gồm cả Arab Saudi, đồng thời lên án Riyadh can thiệp quân sự vào Yemen. Tổng thống Ai Cập A.Sisi phản đối mọi sự leo thang quân sự khu vực liên quan đến căng thẳng Iran-Arab Saudi. Tổng thống Syria B.al-Assad tuyên bố, quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia. Đại diện EU về an ninh và đối ngoại kêu gọi các bên kiềm chế, xây dựng hòa bình. Tổng thống Pháp E.Macron đến Riyadh thương thảo về căng thẳng chính trị Liban và khủng hoảng tại Yemen. Thủ tướng Lebanon S.Hariri tuyên bố từ chức, cáo buộc Iran ủng hộ lực lượng Hồi giáo Sheite Hezbollah, can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.


Chính trường Arab Saudi chao đảo gây tác động, đẩy giá dầu mỏ thế giới lên cao, thúc đẩy khủng hoảng vùng Vịnh? Căng thẳng ngoại giao với Iran, Mỹ và Arab Saudi đẩy việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran với Nhóm P5+1 đến bờ vực phá sản? Israel cũng bị lôi vào lò lửa Trung Đông? 


        Minh Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ