A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

71 năm nghĩa nặng, tình sâu

 

QPTĐ-Hôm nay, nhân dân cả nước kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018) với tất cả sự trân trọng và biết ơn sâu sắc về sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ,  thương binh. 

 

 

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

cùng các đại biểu dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ xã An Thượng, huyện Hoài Đức.  


Cách đây 71 năm, khi đất nước đang trong giai đoạn gay go, quyết liệt của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu chọn Ngày kỷ niệm Thương binh- Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh-liệt sĩ. Tháng 6/1947, Hội nghị đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương nhất trí chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc, sau này được đổi tên là Ngày Thương binh-Liệt sĩ, trở thành ngày để ghi dấu hoạt động tri ân, chăm lo với những người có công với cách mạng và gia đình họ. Và kể từ đó, nhân dân cả nước đã chung tay hành động vì những điều đạo nghĩa này.


Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, đặc biệt là đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” đã trở thành nguồn cội trong văn hóa Việt. Trải qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự trường tồn của đất nước. Các anh hùng liệt sỹ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi, chiến đấu hy sinh để đất nước được độc lập, dân tộc mãi mãi trường tồn. Không có sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ thì không có hòa bình, độc lập, tự do. Những anh hùng liệt sĩ đã nêu gương các bậc tiền bối xả thân vì nước, cống hiến vì dân mà không có sự đắn đo, do dự. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi tạc công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. 


Trong suốt chặng đường 71 năm, nhân dân ta đã làm theo lời kêu gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch tận tâm, bền bỉ thực hiện công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ với tất cả tình cảm sâu nặng và những kết quả thiết thực nhất.  Đến nay, hơn 9 triệu người có công bao gồm cán bộ tiền cách mạng, cán bộ cách mạng, các thương, bệnh binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng…đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, từ chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở… Nhà nước cũng tập trung nguồn lực để tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ, chăm lo, tu chỉnh các nghĩa trang và tạo điều kiện để thân nhân các liệt sĩ tới nghĩa trang thăm nom phần mộ của con em mình. Về phần mình, nhiều thương binh, gia đình được hưởng chế độ chính sách cũng đã vượt khó, vươn lên để làm kinh tế, xây dựng gia đình bền vững, sung túc, hỗ trợ đồng đội và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước.


Cùng với Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã rất chú trọng đến công tác chính sách, trong đó đã cơ bản hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ tồn đọng và xác nhận người có công với cách mạng, ra quyết định trợ cấp cho thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam; trợ cấp ưu đãi giáo dục-đào tạo; hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng chính sách; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công.

 

Từ năm 2012, Hà Nội cấp gần 20 nghìn thẻ đi xe buýt miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, người có công; tổ chức điều dưỡng luân phiên 2 năm/lần cho các đối tượng người có công (theo quy định là 5 năm/lần). Chính sách điều dưỡng đặc thù của Hà Nội hiện đã được Trung ương nhân rộng, áp dụng trên phạm vi cả nước. Với số lượng người có công lên tới gần 80 vạn người, chiếm khoảng 12,5% dân số của Thành phố và bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, luôn thực hiện tốt các chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, là địa phương tiêu biểu của cả nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng. 


71 năm-một chặng đường lịch sử sâu nặng nghĩa tình, nhân dân cả nước vẫn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và hiện nay, công tác này đã trở thành phong trào sâu rộng, mang tính xã hội hóa thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam.


Hữu Văn 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ