A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã Tân Phú, huyện Quốc Oai: Về đích nông thôn mới

 

QPTĐ-Có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 286 ha, dân số trên 5.600 người, Tân Phú trước kia là một trong những xã nghèo của huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội khi thu nhập của nhân dân bấp bênh, kinh tế địa phương phát triển chậm, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém. Năm 2011, khi thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân”, xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Đến nay, xã đã hoàn thành đạt 19/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

 

 

Trường mầm non xã Tân Phú được xây dựng khang trang.

 

Những ai có dịp về thăm xã Tân Phú đều không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng cơ bản, đồng bộ nơi đây. Toàn xã có 4 trạm biến áp, công suất từ 180 đến 420 KVA, đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; 100% trục đường xã, thôn, xóm được bê tông hóa; trường tiểu học và THCS, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia…Nhờ có nền tảng ấy, cùng với xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao (150 ha), xã đẩy mạnh phát triển nghề mộc dân dụng và thương mại-dịch vụ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.500 người, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu/người/năm.


Đồng chí Đỗ Công Sự, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Phú cho biết: Từ một xã nghèo, để về đích nông thôn mới như hôm nay, đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hàng tháng, UBND xã tiến hành giao ban, quán triệt tới các ban, ngành, đoàn thể, và Bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó thôn, bám sát tình hình thực tế của địa phương; thông qua họp dân để tuyên truyền chung tay xây dựng nông thôn mới, cùng bàn bạc, thống nhất, huy động sức mạnh của “hội nghị diên hồng”, lấy trí tuệ tập thể, “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, từng bước phấn đấu đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 


Theo đó, UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới và các tiểu ban ở các thôn. Sau quá trình triển khai, rà soát, lập quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới xã, giai đoạn 2011-2015, công khai quy hoạch đề án, tổ chức niêm yết tại nhà văn hóa các thôn và trụ sở UBND xã để lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân, từ đó, tổng hợp hoàn thiện quy hoạch và đê án, sau khi được phê duyệt, tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả”.


Được biết, để không xảy ra tiêu cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã tiến hành thành lập Ban Quản lý các công trình xây dựng, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban Quản lý, kết hợp với Ban giám sát đầu tư cộng đồng, thường xuyên có mặt tại công trình để kiểm tra, giám sát các công trình và kịp thời ngăn chặn các hành vi sai phạm, hàng tháng đánh giá tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng. Nhờ vậy, cơ bản các công trình đều đáp ứng được tiến độ, chất lượng công trình đề ra. 


Để tạo sự đồng thuận của nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền được Đảng ủy, UBND xã quan tâm hàng đầu. Đồng chí Nguyễn Công Thanh, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hàng tháng, Đảng ủy xã tổ chức họp Hội nghị Ban chấp hành mở rộng để cán bộ, đảng viên đều nắm bắt được chủ trương của Đảng về chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội họp Ban chấp hành, triển khai tới các đồng chí chi hội trưởng, các cơ sở tổ chức họp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chung tay xây dựng nông thôn mới. 


Xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy, xã đã phối hợp tổ chức tập huấn, tham quan thực tế cho hàng trăm cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của xã (bao gồm thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã, các Tiểu ban ở thôn và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn…). 


Có thể nói, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở nông thôn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, xã đã chọn những giải pháp mang lại hiệu quả cao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đánh giá đúng thực trạng ở nông thôn, tìm ra tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân bằng việc thường xuyên đi sâu sát, nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời, mạnh dạn táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vừa dựa trên quy trình hướng dẫn của trên, vừa sáng tạo theo điều kiện cụ thể để thực hiện.

 

Hiện nay, xã đang tiếp tục xây dựng chợ nông thôn với đầu tư giai đoạn 1 với tổng kinh phí là 2,3 tỷ đồng, tổng diện tích chợ 8.000 m2. Cả 3/3 thôn của xã được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 2,9%. Điều băn khoăn nhất, theo đồng chí Đỗ Công Sự, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã chính là việc đầu tư vốn xây dựng, mở rộng cầu Tân Phú và giải tỏa ô nhiễm hồ Gai (thôn Yên Quán), xây dựng công viên phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. 


Ngọc Quang

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ