A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vùng quê vang tiếng hát chèo

QPTĐ-Ở huyện Đông Anh, khi nói đến những làng quê yêu ca hát, người dân nơi đây đều nhắc đến Câu lạc bộ (CLB) Dân ca và chèo thôn Dục Nội, xã Việt Hùng. Đây là CLB có bề dày truyền thống với tuổi đời hơn 65 năm. Đa số các thành viên CLB đều là nông dân, giáo viên nhưng có niềm đam mê ca hát, mong muốn góp sức gìn giữ nghệ thuật hát chèo. Bằng lòng nhiệt tình, sự chăm chỉ học tập và rèn luyện, các nghệ sĩ không chuyên đã thể hiện được nhiều tiết mục chèo cổ với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, mùa xuân và tình yêu đôi lứa… Các vở diễn của CLB đều được dàn dựng công phu, gây ấn tượng về phong cách cũng như nghệ thuật biểu diễn trong lòng khán giả. 

Đam mê và cống hiến

Tìm hiểu chúng tôi được biết: Câu lạc bộ Dân ca và chèo làng Dục Nội được thành lập ngày 25/11/1958 với 21 thành viên, lúc này các  thành viên đều chưa có kiến thức gì về chèo. Sau hơn 1 năm luyện tập, các thành viên trong CLB với tinh thần đoàn kết học hỏi, tập luyện say mê, các thành viên đã nắm được các làn điệu từ dễ đến khó. Các diễn viên không chuyên của CLB là những người nông dân lao động sớm chiều trên đồng ruộng nhưng vì lòng đam mê bộ môn nghệ thuật chèo nên tối tối lại ra trụ sở văn hoá tập luyện. Thành quả của họ là cho ra đời rất nhiều vở diễn để phục vụ nhân dân, phục vụ phong trào qua từng thời kỳ từ 1958 đến 1967 đoàn đã dàn dựng thành công nhiều vở kịch. Quan âm thị kính là vở kịch đầu tiên được Câu lạc bộ biểu diễn vào Rằm tháng 8 năm 1960 tại Đình Đoài.

Trích đoạn chèo thị Mầu lên chùa.

Là người có niềm đam mê bộ môn nghệ thuật chèo từ khi lên 5 tuổi, ông Nguyễn Bá Thịnh (sinh năm 1955), Chủ nhiệm CLB dân ca và chèo làng Dục Nội có bố đẻ cũng là một diễn viên của đoàn chèo. Do vậy ông có điều kiện tiếp xúc thường xuyên các loại nhạc cụ, cũng như nghệ thuật hát chèo trong những lần theo bố đi tập kịch ngoài sân đình. Ông chia sẻ: Tôi được bố và các bậc lão thành của đoàn chỉ bảo, dìu dắt, chỉ dạy về kỹ thuật hát và diễn tả cảm xúc qua các động tác, nét mặt, lời thoại, khuôn múa, điệu hát… Ngoài diễn và hát tôi có thể chơi thành thạo một số nhạc cụ như: đàn Nhị, đàn Bầu, bộ Gõ… Gia đình tôi hiện có 5 thành viên trong CLB chèo, đó là bố tôi 94 tuổi và hai vợ chồng nhà tôi và hai vợ chồng chú em tôi.                                  

Cụ Nguyễn Bá Hồng, bố của ông Nguyễn Bá Thịnh cho biết: Thời gian đầu mới thành lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang phục biểu diễn còn hạn chế, đêm biểu diễn chỉ dùng đèn măng sông, nhạc cụ chỉ là một trống chèo, một thanh la, một mõ, nhưng với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, lòng hăng say của tuổi trẻ, các thành viên của Câu lạc bộ lại tiếp tục xây dựng các vở kịch mới như: Xuý Vân giả dại, Điền trang kết nghĩa, Chị Tấm anh Điền, Tòng quân, Chiếc nhẫn Trường Sơn, Trên bến sông quê, Tấm Cám, Bà Chúa kho…, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các hội thi, hội diễn và để lại ấn tượng tốt đẹp với người xem. Cụ thể, trước năm 1968, CLB đi hội diễn Thành phố đã đoạt huy chương Vàng vở chèo “Cánh đồng sen”. Sau khi thống nhất đất nước, những lần hội diễn huyện tổ chức như 2008 đoạt giải Ba trích đoạn “Lưu Bình Dưỡng Lễ”. Năm 2017, CLB đạt giải Đặc biệt trích đoạn vở “Suối tiên”. Năm 2019 đạt giải Ba trích đoạn “Vở cây tre trăm đốt”.  

Dàn nhạc công của CLB trong một buổi diễn.

Đặc biệt, trong phong trào dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới, CLB xây dựng nhiều vở mới phục vụ nhân dân như: “Đôi bờ rào gai”;  “Làng văn hoá”; đối với đề tài chiến tranh, CLB có vở “Bài thơ trên vách đá”. Gần đây nhất, CLB đã dàn dựng một số vở như: “Cây tre trăm đốt”; “Chuyện tình hoàng tử và Nàng sơn nữ”, “Suối tiên” và hiện nay đang công diễn vở “Kim Nham”- một trong những vở kinh điển của nghệ thuật chèo truyền thống. 

Gìn giữ và phát huy giá trị

Sở dĩ CLB Dân ca và chèo thôn Dục Nội luôn phát triển và gìn giữ được đến nay là do họ có một tinh thần đoàn kết cao, trên bảo dưới nghe. Những lớp “nghệ sĩ” già luôn gương mẫu đi đầu, tích cực tìm kiếm thế hệ tiếp nối môn nghệ thuật hát chèo để truyền lại kinh nghiệm quí giá. Đến nay, CLB đã có tất cả hơn 50 thành viên vừa là diễn viên vừa là nhạc công. Với trách nhiệm là Chủ nhiệm CLB Chèo thôn Dục Nội, hàng tháng ông Nguyễn Bá Thịnh thường xuyên duy trì hoạt động của CLB để tăng cường rèn luyện, nâng cao trình độ cho các thành viên.

Các cá nhân có thành tích xuất sắc được UBND xã Việt Hùng khen thưởng ​

 

Chị Phạm Thị Kim Xuân là một giáo viên Tiểu học, tham gia CLB từ năm 2008. Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đưa chị đến với CLB, chị kể: Từ nhỏ đi học tôi luôn là  “cây” văn nghệ của lớp và là thành viên trong Đội văn nghệ của nhà trường. Lập gia đình rồi tôi vẫn yêu ca hát. Trong một lần được mấy anh chị em bạn thân trong làng rủ đến nhà một bác nhạc công của CLB để nghe hát chèo. Khi được nghe các bác lớn tuổi hát tôi thấy hát chèo cũng hay hay và có ghi âm bằng điện thoại hai bài hát chèo theo điệu Trường Thu không, Quân tử vu dịch. Đêm đó về nhà, tôi mở ra nghe đi nghe lại. Từ hôm đó, tôi hay đến CLB nghe hát hơn và xin tham gia sinh hoạt. Trong thời gian đầu, tôi được các bác, các anh chị đi trước chỉ dạy các làn điệu chèo. Sau khoảng 1 năm va chạm, tôi đã ngấm và bắt đầu lên sân khấu trình diễn phục vụ Hội làng trong xã.

Theo chị Xuân, hát chèo rất khó vì có nhiều làn điệu, khó ở chỗ phải đúng giai điệu, cao độ, trường độ của làn điệu. Điều quan trọng là người hát phải chú ý đến nhịp phách, phải hiểu được nhịp nội và nhịp ngoại thì hát mới chuẩn và thể hiện được nội dung và ý nghĩa của điệu chèo. Chị chia sẻ: “Tôi tham gia với tinh thần yêu văn nghệ, dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, gia đình, nhưng tôi vẫn sắp xếp công việc cá nhân để tham gia sinh hoạt đều với CLB và đặt quyết tâm phấn đấu từng ngày. Ngoài đóng các vai diễn, cũng có khi tôi hát, múa khi hết vai trong vở, có khi làm MC… Mỗi khi được cùng CLB biểu diễn vào dịp lễ hội truyền thống của làng, của xã, tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào, được góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho cộng đồng dân cư nơi mình đang sống và làm việc.

Các thành viên CLB dân ca và chèo làng Dục Nội.

Để duy trì tốt hoạt động của CLB hát chèo, ông Nguyễn Bá Thịnh, Chủ nhiệm CLB cho biết, ngoài vận động các thành viên đóng góp gây quỹ, CLB phải huy động nguồn xã hội hoá từ các nhà hảo tâm tài trợ.  Mỗi đêm diễn, CLB chi phí khoảng 10 đến 11 triệu. Có đêm diễn 100% kinh phí của đoàn do nhà tài trợ giúp đỡ. Nếu CLB được xã mời diễn lễ hội thì xã chi kinh phí biểu diễn cho CLB… Nhìn chung các chương trình chúng tôi đi biểu diễn đều có sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân về kinh phí.

Những ngày đầu năm mới 2024, CLB vẫn duy trì đều đặn công tác luyện tập các tiết mục tham gia biểu diễn mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn. Tiếng trống, tiếng nhị, tiếng mõ, tiếng í a lại ngân vang giữa làng quê, đó như một nét đẹp đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa - văn nghệ quần chúng nơi đây. Với kết quả đạt được qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thành viên của CLB Dân ca và chèo làng Dục Nội đã góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca cũng như nghệ thuật hát chèo của dân tộc.

Hữu Thu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ