A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tứ Liên-đi lên từ cây quất cảnh

 

QPTĐ-Làng cổ Tứ Tổng nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là cửa ngõ Tây Bắc kinh thành Thăng Long. Đây là vùng dân cư đông đúc có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc và lịch sử Thăng Long-Hà Nội. 

 

 

Nghề trồng quất đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân phường Tứ Liên.


Địa lý và thổ nhưỡng của Tứ Liên phù hợp với nhiều loại cây trồng. Đầu những năm 60 của thế kỷ XX,  cây quất bắt đầu được nhân dân trồng trên đất Tứ Liên cùng với những loại cây hoa màu khác... Ban đầu, cây quất được trồng lấy quả dùng trong sinh hoạt gia đình hàng ngày. Vào dịp cuối năm, khi những quả quất chín, nhiều gia đình cắt, buộc lại thành từng túm 10 quả, đem ra chợ bán để người dân trong vùng mua về trưng bày lên mâm ngũ quả. Chỉ có những gia đình khá giả hơn mới có điều kiện mua cây quất trưng bày trong những ngày Tết Nguyên Đán đầu Xuân năm mới.


Tư duy, nếp nghĩ chơi cây cảnh dần có xu hướng thay đổi, đời sống xã hội từng bước đi lên, nhu cầu sinh hoạt trang trí các gia đình cũng được chú trọng hơn mỗi khi Tết đến, Xuân về. Từ đó, cây quất được làm cảnh vật trưng bày trang trọng không thể thiếu trong gia đình người Việt những ngày Lễ, Tết cổ truyền của dân tộc. 


Trước năm 1985, nhiều nhà có điều kiện đầu tư, đã chuyển đổi mô hình trồng cây quất cảnh phá bỏ vườn chuối, vườn xoan, hồng xiêm và các loại cây lưu niên khác để trồng cây quất cảnh phục vụ nhân dân Thủ đô dịp Tết đến, Xuân về. Mô hình trồng quất cảnh ngày được nhân rộng ra. Các hộ vốn ít thì trồng cây nhỏ, vừa; hộ có vốn đầu tư lớn thì trồng nhiều cây nhỡ, cây to đa dạng các loại. Cây quất cảnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các cây trồng khác trên cùng diện tích thửa đất vì thế đã có các tổ làm vườn ra đời, các tổ lập dự án vay vốn ngân hàng, anh em giúp vốn để đầu tư trồng những cây quất to cao, các loại dáng thế đặc biệt, để phục vụ trang trí trong các cơ quan, doanh nghiệp, công ty đơn vị… 


Nền kinh tế thị trường khiến tình hình kinh tế, xã hội của địa phương  theo đó cũng có nhiều chuyển biến, thay đổi; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu về nhà ở tăng cao đã lấy đi nhiều diện tích sân vườn để xây cất nhà nhưng không vì thế mà diện tích đất trồng quất bị mất đi. Các hộ đã mạnh dạn đầu tư tôn tạo nâng cao diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ngoài đê bối được chuyển sang trồng cây quất cảnh, thuận lợi hơn với mạch ngầm nước sông mát đất, lưu thông khí hậu thoáng đãng khiến cây quất phát triển thuận lợi cành cứng, mầm chồi vươn cao, quả to bóng vàng, lộc lá tươi tốt xanh biếc, cây chơi được lâu ngày… Kết hợp với lợi thế gần trung tâm Thủ đô, việc giao dịch, bán hàng, vận chuyển sản phẩm thuận lợi, hàng năm diện tích trồng quất cảnh ngày càng được tăng lên, nhiều gia đình đầu tư vào việc trồng quất cảnh để phát triển kinh tế gia đình, cây quất được lên ngôi và trở thành cây chủ lực chính của địa phương, là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình. 


Tuy nhiên, để hợp với nhu cầu đa dạng của khách thập phương, những năm gần đây, các gia đình trồng quất cảnh đã có nhiều tư duy sáng kiến trong việc trồng cây quất trong những lọ hoa, bình to nhỏ, chậu khay, tiểu cảnh nhiều hình thù đa dạng khác nhau... Với đôi bàn tay khéo léo, người trồng đã cắt xén, uốn tỉa từ những cây quất mộc mạc, đơn sơ kết hợp với kỹ thuật chăm sóc khoa học, cây quất phát triển tươi tốt đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, các kiểu hình dáng khác nhau như: Lưỡng long chầu nguyệt, thác đổ đón xuân, nghênh xuân, tùng hạc diên niên, cung đàn mùa xuân, long phượng hay thế trực huyền, tam đa, ngũ phúc, nhớ về cuội nguồn và rất nhiều kiểu dáng đẹp khác nhau càng ngắm, càng thưởng lãm lại càng đi vào lòng người. 


Người làm nghề đã áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng quất: Làm khung mái che khi thời tiết nắng to, nhiệt độ cao, để cây ra hoa không bị rụng; khi mưa nhiều sương muối người trồng căng bạt để cây khỏi bị cháy lá, rụng hoa, quả. Ngoài việc trồng quất trực tiếp trên đất, người dân còn cải tiến và sáng tạo nên những cây quất thế được trồng trong chậu tròn, vuông, chữ nhật, lục giác, bình, lọ hoa to nhỏ, tạo nên các tiểu cảnh đa dạng và phong phú được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.


Cây quất cảnh được tiêu thụ chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Người dân Tứ Liên từ lâu đã có câu “Làm quanh năm lo cho dịp Tết”, có nghĩa người dân Tứ Liên làm nghề chăm sóc cây quất quanh năm nhưng luôn canh cánh nỗi lo được mùa để phục vu, đáp ứng nhu cầu cho mọi gia đình Thủ đô Hà Nội có được cây quất cảnh đẹp trưng bày đón Xuân mới. Nghề trồng quất cảnh không chỉ đảm bảo cuộc sống cho cả làng mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước. 


Đồng chí Lê Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND phường, phụ trách kinh tế đô thị cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, tranh thủ lợi thế của mình, những năm vừa qua, chúng tôi tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về kỹ thuật để người trồng quất có thể tiếp cận các phương thức khoa học một cách nhanh và hiệu quả. Hiện Tứ Liên có khoảng 30 ha trồng quất, mỗi năm, chúng tôi cung cấp hơn 15 vạn quất lọ phục vụ người chơi trên địa bàn Thủ đô cũng như các vùng lân cận, chiếm 80% tỷ trọng sản xuất nông nghiệp/năm; giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động, đem lại thu nhập cho người dân. Trên cơ sở thành quả đạt được, chúng tôi đã lập hồ sơ công nhận làng nghề. Hiện, Thành phố đã tiến hành thẩm định xong. Đây chính là động lực để người dân Tứ Liên thêm yêu, gắn bó với nghề, đem tài năng, bàn tay khéo léo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. 


Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ