A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ đô Hà Nội hướng về Trường Sa

 

Trong chuyến công tác tại Trường Sa và nhà giàn DK1, ngoài thăm, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1/8, Đoàn công tác thành phố Hà Nội còn dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắp hương mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sa; tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại khu vực quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; tham gia lễ chào Cờ, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại thị trấn Trường Sa; tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; thăm và tặng quà Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội.    

 

 

Đại tá Lê Văn Huyên, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm hỏi, động viên chiến sĩ đảo Tiên Nữ.

 

Với tinh thần “Hà Nội vì Trường Sa”, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã đi thăm, tặng quà động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 từ ngày 16 đến 26/4/2017, có số lượng thành viên tham gia đông nhất từ trước đến nay. Đoàn gồm 150 đại biểu, do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng đoàn. Cùng đi với Đoàn có đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng.

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội,

Trưởng đoàn công tác, cùng các đại biểu dự Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn.

 

Vượt hơn 1.000 hải lý từ cảng Cam Ranh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, con tàu HQ561 đã đưa Đoàn công tác, những người con của Thủ đô tới thăm các đảo: Đá Lớn B, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Núi Le (điểm A, B), Tiên Nữ, Đá Đông (điểm A, C), Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Đá Lát, Nhà giàn DK1/8 (khu vực Quế Đường). Hình ảnh đầu tiên, ấn tượng và thân thương nhất với mỗi thành viên Đoàn khi đặt chân lên các đảo, có lẽ chính là vẻ đẹp của người lính hiên ngang bồng súng trên cột mốc chủ quyền, dưới lá cờ Tổ quốc lộng gió biển Đông. Những giọt mồ hôi mặn mòi đọng trên khuôn mặt sạm màu nắng gió, rắn rỏi và hiên ngang, đã nói lên tất cả nỗi vất vả, gian truân của người lính đảo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhưng vẫn toát lên niềm kiêu hãnh, tự hào vì các anh đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Đất liền vẫn hướng về các anh, nhân dân cả nước vẫn hướng về các anh- Những người con yêu quý và hôm  nay Đoàn công tác của thành phố Hà Nội chỉ là một trong số rất nhiều Đoàn công tác từ đất liền đã tới thăm các anh.

 

 Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Ngoài số tiền 37 tỷ đồng dành tặng công trình Nhà văn hóa đa năng, thành phố Hà Nội còn trích ngân sách Thành phố khoảng 1,7 tỷ đồng mua tặng nhiều vật dụng thiết yếu theo nhu cầu thực tế của từng đảo như tủ lạnh cấp đông, máy lọc nước, máy tính xách tay, máy xay thịt… Đặc biệt, Đoàn công tác còn vận động xã hội hóa và các thành viên trong Đoàn đóng góp được gần 3 tỷ đồng tặng cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, Đoàn đã chuyển tặng Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” 1 tỷ đồng, còn lại mang tặng trực tiếp cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các điểm đảo.

 

Nơi ghi dấu ấn nhất với Đoàn công tác chính là ở các đảo chìm: Len Đao, Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le, Đá Lát. Đây là những đảo có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng, nhưng đều nằm trên nền san hô ngập nước, điều kiện ăn ở, sinh hoạt chật chội, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đại úy Lê Bá Quyết, Chỉ huy trưởng đảo Len Đao cho biết: Ngoài hoàn thành công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn luôn gắn bó mật thiết với ngư dân, tuyên truyền và vận động ngư dân bám biển. Đơn vị còn giúp đỡ lương thực, khám và cấp thuốc điều trị cho ngư dân. Đại úy Lưu Ngọc Toản, Chính trị viên đảo Đá Đông A khẳng định: Sự động viên của hậu phương giúp chúng tôi vững tin, yên tâm công tác, vượt qua khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Trung úy CN Đinh Văn Hiểu, nhân viên Thông tin đảo Đá Đông C, quê ở xã Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ: “Đã có rất nhiều đoàn ra thăm đảo nhưng khi nghe thông tin có đoàn Hà Nội đến, tôi mong chờ từng ngày để gặp. Được trò chuyện với Đoàn công tác, trong đó có lãnh đạo, cán bộ  huyện Thanh Oai, tôi thấy vơi đi nỗi nhớ gia đình, quê hương”.

 

Đến Trường Sa lớn, điều thiêng liêng nhất đối với các thành viên trong Đoàn chính là được tham dự Lễ chào cờ tại cột mốc chủ quyền quốc gia cùng quân và dân trên đảo. Trong gió lộng biển khơi, lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền tiếng hát Quốc ca vang lên hùng tráng khiến ai cũng xúc động. Đây là Tổ quốc ta, là quê hương ta, là lãnh thổ không thể tách rời của đất nước ta. Tất cả đều thân thương, gần gũi…Mọi người đều có chung cảm xúc đặc biệt khi cùng cất lên tiếng hát về Tổ quốc, về chủ quyền đất nước Việt Nam.

 

Những ngày cuối chuyến hải trình ra Trường Sa, đặt chân lên Nhà giàn DK1/8, Đoàn công tác đều cảm thấy vui mừng trước sự khang trang của cơ sở vật chất, sự vững chắc giữa sóng nước mênh mông của Nhà giàn và đời sống tiện nghi trong sinh hoạt của các chiến sĩ. Trung tá Đỗ Bá Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước, cơ sở vật chất trên đảo ngày càng được  củng cố, nơi ăn ở gọn gàng, đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đơn vị luôn phối hợp với UBND thị trấn Trường Sa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho thiếu nhi, phụ nữ trên đảo. Đại úy Trần Văn Sang, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/8 khẳng định: Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân các địa phương, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn nguyện sẽ mưu trí, dũng cảm, chấp nhận hy sinh, quyết tâm bảo vệ vững chắc Nhà giàn với phương châm “Còn người, còn Nhà giàn.  

 

Sau 10 ngày trực tiếp đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, điểm đảo, Nhà giàn DK1/8, chuyến công tác của Đoàn đã thành công tốt đẹp, để lại trong mỗi thành viên của Đoàn những kỷ niệm không thể nào quên. Đặc biệt là cảm phục  sự kiên cường, dũng cảm nơi đầu sóng ngọn gió, vững vàng đối mặt với những khó khăn gian khổ, cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo và Nhà giàn để bảo vệ chủ quyền của huyện đảo Trường Sa thân yêu. Đồng chí Hoàng Kế Khiêm, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đông Anh chia sẻ: “Đến Trường Sa mới thấy được sự bao la của biển cả, sự gian lao vất vả của những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Mỗi hòn đảo đi qua, chúng tôi lại thêm yêu đất nước và tự hào, trân trọng những người lính trẻ sẵn sàng ra công tác tại đảo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn”.

 

Tại Trường Sa, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng đoàn công tác đã nói: “Có đến Trường Sa mới thêm niềm tự hào xúc động và cảm phục sâu sắc những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo. Mỗi người con Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung luôn tâm nguyện sẽ nỗ lực có những hành động thiết thực xứng đáng với những hi sinh của bộ đội để giữ vững chủ quyền biển đảo. Sau chuyến công tác, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về biển đảo, nhất là trong học sinh, sinh viên, để mỗi người tăng thêm lòng tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng qua đó, mỗi người có hành động thiết thực giúp đỡ quân, dân huyện đảo phong phú hơn, thiết thực hơn”.

 

Trong buổi gặp mặt thân mật với quân, dân huyện đảo, đồng chí Phạm Quang Nghị chia sẻ: Ra thăm Trường Sa, mỗi người càng thấy cảm phục, biết ơn tổ tiên của chúng ta, những người đã dựng xây, bảo vệ bờ cõi, chinh phục biển  khơi giao lại cho con cháu đời đời một Tổ quốc Việt Nam không chỉ hình chữ S, mà còn cả hai quần đảo lớn và bây giờ chúng ta đang làm chủ một phần rộng lớn của quần đảo Trường Sa. Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng bày tỏ vui mừng về những đổi thay toàn diện của các đảo, nhất là điều kiện ăn ở, tập luyện, chiến đấu đã bớt gian khổ hơn nhiều so với trước. Sự đổi thay lớn mạnh, toàn diện mọi mặt của từng vị trí đóng quân trên đảo và toàn bộ quần đảo Trường Sa đã góp phần quan trọng trong công tác phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh.

 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ