A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung phục hồi sinh thái các hồ trên địa bàn Hà Nội

 

Hiện nay trên địa bàn 12 quận nội thành có 120 hồ, gồm các hồ tự nhiên và các hồ được đào, xây dựng theo quy hoạch. Trong đó có 84 hồ đã cải tạo; 10 hồ đang cải tạo và 26 hồ chưa được cải tạo. Đối với các hồ đã cải tạo kè đá, chất lượng nước hồ được cải thiện đáng kể do đã xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải không cho chảy vào hồ. Tuy nhiên, qua thực tế quản lý hồ ở Hà Nội cho thấy, do các hồ này là hồ điều hòa nên ngay cả khi đã được tách nước thải hoàn toàn thì vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải khi có mưa chảy vào hồ. Đồng thời, một số hồ dù đã cải tạo kè bờ, có xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải nhưng chưa tách nước thải hoàn toàn, vẫn tiếp nhận một phần nước thải chảy trực tiếp vào như: Hồ Tây, Trúc Bạch, Thanh Nhàn 2A, Linh Đàm, Nghĩa Tân, Kim Liên... nên các hồ đã cải tạo hiện vẫn đang bị ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ.

 

 

Công nhân vớt tảo làm sạch môi trường ở hồ Ngọc Khánh.

 

Với 26 hồ chưa được cải tạo, môi trường nước hồ hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do ý thức của một số bộ phận dân cư và do tốc độ đô thị hoá cao nên có hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ thường xuyên diễn ra như hồ Linh Quang, Tứ Liên, Đại Kim, Tân Thụy, Gia Quất, Phùng Khoang... làm thu hẹp diện tích sử dụng của hồ cũng như giảm khả năng điều hòa thoát nước và gây mất mỹ quan đô thị; một số hồ lắp đặt các đăng đó, cửa phai để dâng nước nuôi cá làm ảnh hưởng đến dòng chảy như hồ Tam Trinh, Đầm Lò Bát, Đầm Vỉ Ruồi... và nguyên nhân nữa là do nước thải chưa qua sử lý xả trực tiếp vào hồ gây ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc chất lượng các hồ trong nội thành Hà Nội của Công ty Thoát nước Hà Nội trong những năm qua cho thấy, các hồ chưa cải tạo tách nước thải đang ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Trước tình trạng đó, về kế hoạch phục hồi sinh thái các hồ trong thời gian tới, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định: “Công tác quản lý các hồ hiện nay đã phân rõ trách nhiệm và không hề có sự chồng chéo. Dù vậy, Sở đang xây dựng quy trình mới để quản lý chặt chẽ hơn nữa, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố”. Cụ thể, Thành phố đã giao Công ty Thoát nước Hà Nội chủ động phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài nước để nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến, như đã làm việc với Công ty Watch Water và Công ty Nordic Water về xử lý ô nhiễm nước hồ và cung cấp nước sạch. Giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội chủ trì xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn Thành phố; Công ty có trách nhiệm thống kê các hồ trên địa bàn Thành phố, lấy mẫu nước, tổ chức xét nghiệm, đánh giá mức độ ô nhiễm, đề xuất phương án xử lý. Trước mắt, tổ chức thử nghiệm tại hồ Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát bằng công nghệ REDOXY- 3C của Đức. Quá trình thử nghiệm cho kết quả xử lý khả quan, có thể áp dụng để nhân rộng xử lý các hồ khác. Hiện nay, Công ty Thoát nước Hà Nội đã khảo sát và đánh giá sơ bộ hiện trạng môi trường các hồ trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, Công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án xử lý ô nhiễm cũng như duy trì chất lượng các hồ thực hiện trong quý IV-2016 và năm 2017, trình UBND Thành phố và các Sở, ngành để triển khai thực hiện. Dự kiến, trong quý IV-2016 sẽ xử lý 67 hồ trong khu vực nội thành. Trong năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì xử lý các hồ khu vực nội thành và tổ chức triển khai xử lý ô nhiễm các hồ bị ô nhiễm nằm trên địa bàn các huyện và thị xã Sơn Tây.

 

Văn Thể


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ