A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sắc Xuân Phủ Quốc

“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...”
Những câu thơ của nhà thơ Quang Dũng dẫn chúng tôi về huyện Quốc Oai,  miền quê được công nhận huyện nông thôn mới từ năm 2019. Đến bất cứ nơi đâu trên địa bàn huyện, chúng tôi đều bắt gặp những con đường bê tông, đường trải nhựa áp-phan rộng rãi, thông thoáng. Sắc Xuân trải dài hai bên đường với những khóm hoa rực rỡ, trên những vườn bưởi trĩu cành, những trang trại gà siêu trứng đang sinh sôi, nảy nở. Cổng làng, cổng xóm được bà con trang trí rực rỡ cờ hoa, câu đối, khẩu hiệu chào đón năm mới với không khí hân hoan. 

 

Dấu ấn cựu quân nhân, cựu chiến binh
Những ngày giáp Tết, gia đình quân nhân dự bị Cấn Văn Học ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu tất bật với việc bán trứng gà trong ăm ắp niềm vui. Năm 2021, trước những tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, đặc biệt khi giá thành thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng trang trại nuôi gà sạch theo mô hình VietGAP của anh Học vẫn cho thu nhập ổn định. Xuất thân trong một gia đình có bố làm giáo viên, mẹ làm nông nghiệp, năm 1999, anh xung phong nhập ngũ, công tác tại Trung đoàn Pháo binh 452, Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Do rèn luyện, phấn đấu tốt nên anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 2001, anh xuất ngũ trở về địa phương tham gia lực lượng dự bị động viên. Nhận thấy ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng phát triển, nhất là những giống gà đẻ có năng suất, chất lượng trứng cao, đầu năm 2006, anh mạnh dạn cùng gia đình xây dựng chuồng trại để nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP. Từ nuôi vài trăm con ban đầu, đến nay trang trại của anh có hơn 20 nghìn gà đẻ trứng; tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên trong gia đình và một số lao động của địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh chia sẻ: “Mỗi năm, trừ chi phí, trang trại của gia đình cho thu lãi từ 500 đến 700 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống gia đình ngày một khấm khá, ai cũng phấn khởi. Ngoài công việc của gia đình, tôi còn trao đổi, hướng dẫn, giúp đỡ các chiến sĩ dân quân và bà con trong thôn cách làm kinh tế trang trại như của gia đình”.
Rời Cấn Hữu, chúng tôi đến xã Sài Sơn gặp một tấm gương cựu chiến binh năng động, làm giàu từ đồng ruộng. Đó là ông Phan Nhân Lợi, sinh năm 1962 ở thôn Đa Phúc. Năm 1979, khi vừa tròn 17 tuổi, Phan Nhân Lợi tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội 16, Trung đoàn 169, Sư đoàn Bộ binh 311, chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng. Năm 1983, ông xuất ngũ, trở về địa phương, tham gia Hội CCB xã và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Ông khiến mọi người nể phục  vì ý chí, sự tâm huyết của ông khi vượt khó vươn lên để xây dựng kinh tế gia đình phát triển từ mô hình trang trại mang lại thu nhập cao. Trên diện tích khoảng gần 20.000m2, vợ chồng ông đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp được, vay mượn thêm để đào ao (hơn 1ha) thả cá. Không chỉ chú trọng vào nuôi cá, ông Nhân còn trồng hơn 300 gốc bưởi. Bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình ông cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và huyện Quốc Oai, ông Lợi xây dựng mô hình “nuôi cá sông trong ao” theo công nghệ Mỹ với 2 bể cá. Chi phí đầu tư mỗi bể khoảng 150 triệu đồng. Bể cá của ông nuôi tối đa 5.000 con/bể (chủ yếu là cá chép và cá trắm). Ngoài ra, ông cũng dành một phần diện tích để xây dựng 4 ao nuôi ba ba, hàng năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Năm 2021, ông còn tiên phong xây dựng mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP. Khi áp dụng quy trình này, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15- 20% so với sản xuất ngoài mô hình, hạn chế được sâu bệnh hại quả, mẫu mã quả đều và đẹp, tỷ lệ quả loại 1 cao. Mặt khác, mô hình được cấp chứng nhận VietGAP, do vậy giá bán cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/quả. Ông Lợi tâm sự: "Tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên CCB và người dân trong thôn, xóm về kỹ thuật chăn nuôi, làm giàu chính đáng từ vườn cây, ao cá của mình".
Tết về trong không khí ấm cúng, tươi vui khi mô hình sử dụng thảo dược chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học ở xã Phú Cát, xã Đông Yên thu hút được nhiều khách hàng quan tâm, đặt mua. Mô hình được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2021, với quy mô 10.000 con. Số hộ tham gia gồm 11 hộ ( xã Phú Cát 6 hộ, xã Đông Yên 5 hộ). Đây là mô hình không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ áp dụng, chi phí đầu tư không lớn, đảm bảo an toàn cho vật nuôi, cho người chăn nuôi. Anh Kiều Minh Khuê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết: "Sau 5 tháng nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới so với chăn nuôi thông thường thì chăn nuôi gà có sử dụng thảo dược có tỷ lệ nuôi sống cao hơn 5%. Đàn gà luôn khỏe mạnh, sức đề kháng tốt. Các hộ tham gia mô hình không lạm dụng kháng sinh trong phòng bệnh. Chăn nuôi gà có sử dụng thảo dược tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao sức khỏe cộng đồng, tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội. Thời điểm hiện tại, giá gà thương phẩm theo phương pháp nuôi truyền thống là 70.000 đồng/kg thì sử dụng thảo dược chăn nuôi gà sẽ bán được với giá 77.000 đồng/kg. Như vậy, giá xuất chuồng sẽ cao hơn 7% và tỷ lệ nuôi sống cao hơn 5% so với phương pháp nuôi truyền thống".

Nâng tầm nông thôn mới
Tìm hiểu chúng tôi được biết, sau thành công của chương trình dồn điền đổi thửa, huyện Quốc Oai đang sôi động với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu như cây ăn quả, rau chế biến, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây dược liệu, đàn gà (gà đồi), lợn thịt, thủy sản… Trong từng lĩnh vực, huyện tập trung vào các khâu có tính đột phá như sản xuất cây, con giống, sản xuất ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản.
Cùng với đó, huyện Quốc Oai xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, lấy các tổ chức nông dân (Chi hội/Hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm, các vùng sản xuất cây ăn quả, sản xuất chè, sản xuất rau tập trung của huyện làm trọng tâm. Từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi, trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm. Huyện Quốc Oai cũng chú trọng xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống đối với làng nghề mộc và đục chạm thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) và thôn Yên Quán (xã Tân Phú), miến Làng So cùng với đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm). Đến nay, huyện đã có 48 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đồng thời, phát huy có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất như: Mô hình chuyên canh nhãn chín muộn xã Đại Thành, mô hình rau an toàn tập trung, chăn nuôi gà đồi Đông Yên; lợn sinh học, sản xuất chè tập trung... đưa một số giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
 Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn dưới 0,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải được thực hiện thường xuyên. Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó có 95% số hộ sử dụng nước sạch). Hạ tầng nông thôn được cải thiện, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực.
Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, năm 2022, huyện Quốc Oai tiếp tục yêu cầu các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của mỗi địa phương. Trong khí thế mừng vui chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, đời sống của người dân được nâng cao sẽ tiếp thêm động lực để huyện Quốc Oai nỗ lực hơn nữa nhằm đưa kinh tế xã hội ngày càng phát triển, phấn đấu xây dựng và nâng tầm huyện nông thôn mới.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ