Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô
QPTĐ-Sáng 16-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì và phát biểu chỉ đạo, quán triệt nội dung chính của Nghị quyết. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 625 điểm cầu trên địa bàn Thủ đô.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố và Chương trình Công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết đặt ra mục tiêu chung là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực lợi thế giàu tiềm năng, phù hợp với thực tiễn của Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể. Các cơ quan, đơn vị tham gia Hội nghị đã thảo luận làm rõ các giải pháp, kiến nghị cụ thể tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã triển khai những nội dung chủ yếu của Kế hoạch số 217/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Kế hoạch gồm 8 nội dung trọng tâm, trong đó, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế…
Trần Đức