A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người gìn giữ môn nghệ thuật rối cạn của Thủ đô

QPTĐ-Rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) có lịch sử truyền thống lâu đời. Các trò rối cạn được sáng tạo nhằm mục đích phục vụ bà con nông dân thưởng thức, giải trí vào dịp lễ, tết, hội hè và những buổi nông nhàn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, môn nghệ thuật này đã và đang được duy trì, phát triển bởi sự nhiệt huyết của các nghệ nhân. Một trong số đó có sự đóng góp của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Công Bằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Múa rối truyền thống Tế Tiêu. Ngoài việc quản lý, tổ chức biểu diễn cho CLB, anh còn thường xuyên huấn luyện, truyền dạy kỹ năng cho lớp diễn viên trẻ, không ngừng nâng cao, sáng tạo thêm trò diễn mới.

Nối tiếp truyền thống gia đình

NNƯT Phạm Công Bằng nỗ lực gìn giữ và phát huy nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu.

NNƯT Phạm Công Bằng (sinh năm 1976) lớn lên trong gia đình có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và góp phần quan trọng trong phát huy, sáng tạo bộ môn nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa. Tuổi thơ của anh gắn liền với các trò rối của Phường khi theo cha đi biểu diễn. Năm 1998, anh bắt đầu thực hành biểu diễn bộ môn nghệ thuật này. Khi trở thành diễn viên chính của Phường, anh học chơi các loại nhạc cụ, tự tay đẽo gọt, sơn vẽ trang điểm, may trang phục, que điều khiển con rối. Khi chế tác, anh phải tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật để thiết kế các con rối cho phù hợp. Đặc biệt, còn tận dụng những vật dụng cũ bỏ đi như: Vải, nhựa, xốp, để tạo hình những con rối, một phần bảo vệ môi trường, và một phần bởi những chất liệu, vật dụng đó nhẹ, giúp cho các nghệ nhân biểu diễn linh hoạt hơn.

Suốt nhiều năm, anh Bằng theo cha và học hỏi, tiếp thu được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm tạo hình, biểu diễn. Anh đã tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa, các hội thi, chương trình liên hoan nghệ thuật múa rối do thành phố Hà Nội và Trung ương tổ chức. Từ năm 2002 đến năm 2018, được sự quan tâm, hỗ trợ của quỹ Ford và chính quyền huyện Mỹ Đức xây dựng cho CLB một nhà thủy đình và một ngôi nhà trên khoảnh đất rộng 1.500 m². Đây là nơi anh cùng thành viên của phường múa rối cạn Tế Tiêu tập luyện và trình diễn cố định cho công chúng tại địa phương. Sau này, cha anh vì lý do sức khỏe nên đã giao cho anh quyền trưởng phường (nay là Chủ nhiệm CLB). Từ đó, anh miệt mài thay cha quản lý, duy trì hoạt động của CLB và động viên các hội viên tiếp nối, gìn giữ nghệ thuật rối cạn.

Các nhân vật trong rối cạn Tế Tiêu luôn được anh Bằng chế tác công phu, thường xuyên đổi mới.

Theo anh Bằng, để có một chương trình biểu diễn phải có nhiều trò diễn. Muốn hoàn chỉnh một trò diễn thì các nghệ nhân phải mất nhiều công đoạn, bao gồm tạo hình các nhân vật rối trong các trò diễn như: Chọn gỗ đẽo gọt đầu thân, chân tay rối, sơn vẽ theo nhân vật, may trang phục... các diễn viên biểu diễn phải thuộc nội dung trò diễn để điều khiển con rối, kết hợp cùng dàn nhạc, hát, thoại lồng vào trò diễn. Múa rối cạn khó nhất là mình thao tác điều khiển những chú rối sao cho có hồn, nhịp nhàng và uyển chuyển. Các nghệ nhân đứng trong buồng trò biểu diễn.

Quan sát các diễn viên đứng trong buồng trò biểu diễn các con rối, chúng tôi thấy phần lớn là hoạt cảnh và một số tích trò chuyển thể từ sân khấu chèo, tuồng, quan họ. Các vở diễn được tập hợp ở dạng trích đoạn phù hợp với loại hình rối cạn. Về chèo, phổ biến có các tích trò như: Quan Âm Thị Kính; Lưu Bình- Dương Lễ. Về tuồng, có các tích trò trích trong bộ Tam quốc. Ngoài ra, trên sân khấu độc đáo của các quân rối còn tái hiện được những cảnh sinh hoạt của người nông dân như: Cấy lúa, cày, bừa, chăn trâu, giã gạo, bắt cá… Đặc biệt, là những lời ca, điệu hát đùa vui tinh nghịch của người nông dân trong trò diễn “Thợ cấy hát ví với thợ cày”, “Múa rồng mừng ngày hội”...  bằng những hình ảnh, lời thoại dí dỏm, hài hước để tạo niềm vui, nụ cười cho người xem. Các diễn viên có thể vừa diễn vừa hát hòa cùng những bản nhạc dân gian vô cùng hấp dẫn.

Anh Bằng tâm sự: “Với vai trò là Chủ nhiệm CLB, tôi thường xuyên củng cố đội ngũ diễn viên múa rối. Để các diễn viên múa được thuần thục cũng phải mất nhiều thời gian luyện tập. Tôi vừa hướng dẫn và phân công cho các diễn viên đảm nhiệm những phần việc như tạo hình và tập luyện biểu diễn con rối. Phần chơi nhạc, hát thoại,  lên lịch cho CLB sinh hoạt đều mỗi tuần 1 buổi, vào ngày thứ 5 hàng tuần. Tôi sắp xếp ôn luyện những trò rối cổ, tập lời thoại, lời hát, đàn nhạc theo các trò diễn, quan tâm nhắc nhở chu đáo các thành viên trong CLB, chuẩn bị cho chương trình mỗi khi tham gia. Từ đây, chúng tôi có một tập thể vững mạnh, các thành viên, đoàn kết, quý mến nhau, đem niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật rối truyền thống.

Hàng năm, ngoài tham gia biểu diễn vào dịp đầu xuân tại địa phương và các tỉnh, thành phố, CLB còn kết hợp cùng Ban quan lý Phố cổ quận Hoàn Kiếm, tham gia Lễ hội “Trung thu Phố Cổ”  phục vụ biểu diễn cho du khách trong nước và quốc tế, lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống của quê hương tới đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, CLB được Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội mời tham gia biểu diễn trong vòng một tháng vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật trong “Chương trình bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân gian Việt Nam”... Với những giá trị đặc sắc, năm 2021, rối cạn Tế Tiêu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, động lực to lớn để NNƯT Phạm Công Bằng và CLB tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian rối cạn, lan tỏa tới cộng đồng.

Nỗ lực truyền dạy cho thế hệ sau

Phường rối Tế Tiêu hiện lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối được tạo hình sinh động.

Chia sẻ với chúng tôi, NNƯT Phạm Công Bằng cho biết, CLB rối cạn Tế Tiêu khoảng hai năm gần đây có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ của Thành phố, còn trước đây, mọi chi phí hoạt động đều do cá nhân anh và thành viên CLB đóng góp. Có nhiều buổi biểu diễn không có thù lao, nhưng với niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật, họ luôn cống hiến hết mình cho khán giả trên sân khấu của làng cũng như tại các hội thi, hội diễn, sự kiện văn hóa.

 Nhiều năm nay, với vai trò là Chủ nhiệm CLB Múa rối truyền thống Tế Tiêu, NNƯT Phạm Công Bằng đã tích cực trong công tác truyền dạy cho những người có chung niềm đam mê, tham gia CLB. Anh Bằng cho biết: Câu lạc bộ có 22 thành viên với 1 chủ nhiệm, 2 phó chủ nhiệm, 3 nhạc công, 3 hát thoại, 13 diễn viên cùng hàng trăm con rối và hàng chục tích trò được khán giả yêu thích. Trong những năm qua, tôi cùng 22 thành viên đã có nhiều đổi mới sáng tạo từ việc tạo hình rối, xây dựng trò diễn mới, tích cực truyền dạy cho các thế hệ học sinh trên toàn huyện. Vào dịp nghỉ hè hàng năm, CLB thường xuyên kết nối với các nhà trường, mở những lớp truyền dạy miễn phí cho các em học sinh, tôi trực tiếp dạy các cháu thực hành trải nghiệm. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm CLB tổ chức được 2 lớp truyền dạy miễn phí cho các em học sinh, tổ chức 10 buổi biểu diễn cho các trường mầm non và các em học sinh cấp 1, 2, 3 trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Tại các sự kiện của địa phương, anh kết nối với Ban Tổ chức để các lớp mình đang dạy biểu diễn nhiều tích trò dân gian, các tiểu phẩm nhằm tuyên truyền, giáo dục về tình yêu quê hương,  chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh…

CLB Rối cạn Tế Tiêu tham gia diễu hành với chủ đề “Dòng chảy di sản”  vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cho đến hôm nay, CLB múa rối truyền thống Tế Tiêu vẫn hoạt động đều đặn và tổ chức đón các đoàn khách: Học sinh, sinh viên, khách trong nước và quốc tế đến xem, học ngoại khóa, thực hành, trải nghiệm và tìm hiểu truyền thống nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu. Với tư duy đổi mới, thường xuyên tìm đề tài mới, trò mới cho rối cạn Tế Tiêu làm phong phú hơn các tiết mục trên sân khấu quê nhà, anh Bằng vẫn đang nỗ lực phát triển bộ môn nghệ thuật này trong tương lai. Anh chia sẻ: “Thời gian tới, tôi đang tập trung vào việc dàn dựng một số tích trò mới như tích “Sự tích Bà Chúa Ba Chùa Hương, Trần Quốc Toản ra trận, Trạng Ẩm...” khôi phục lại trò diễn cổ như trò “Xay lúa giã gạo, Thoát Hoan chui ống đồng, Thánh Gióng đánh giặc Ân…”. Kết hợp thêm âm thanh ánh sáng để sân khấu rối cạn có thêm nhiều yếu tố giải trí mà giá trị giáo dục không bị giảm đi. Đặc biệt, với sự đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương về cơ sở hạ tầng cho CLB, đến nay đã hoàn thành, sẵn sàng đón khách đến xem trong không gian Bác Bộ xưa. Tôi đã sắp xếp các hoạt động giúp du khách khi đến đây sẽ thăm nhà thờ Tổ và các bậc tiền bối đã có công gìn giữ truyền lại đến ngày hôm nay. Tiếp đến là sang nhà trưng bày các tác phẩm rối cổ và đặc sắc của rối Tế Tiêu, trong nhà trưng bày sẽ có cả các tác phẩm rối mang đậm nét riêng của nhiều phường rối dân gian Việt Nam được trưng bày tại đây, có ghi chú thích, sự ra đời và truyền thống của từng phường rối. Sau khi tham quan xong, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục múa rối đặc sắc do thành viên phường rối tại địa phương biểu diễn”.

Gần 40 năm cống hiến bằng tâm huyết, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nói chung và bộ môn nghệ thuật đặc sắc rối cạn Tế Tiêu nói riêng,  anh Phạm Công Bằng nhận được nhiều bằng khen của các cấp bộ, ngành. Tiêu biểu như: Năm 2019, anh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Phúc Nguyên


Trên địa bàn thành phố hiện có 6 di sản múa rối, trong đó có 5 di sản rối nước gồm: Rối nước làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), rối nước Sài Sơn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), rối nước Bình Phú (huyện Thạch Thất), rối nước làng Yên (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), rối nước làng Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất). Phường rối Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) là địa phương duy nhất trên địa bàn thành phố có cả rối cạn và rối nước. Trong sự kiện “Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô – 25 năm Thành phố vì hòa bình”.  NNƯT Phạm Công Bằng đã tổ chức cho các thành viên CLB tập luyện tham gia diễu hành với chủ đề “Dòng chảy di sản”  vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội