A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng rèn Đa Sỹ

 

QPTĐ-Làng rèn Đa Sỹ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) vốn từ lâu được mọi người biết đến là một trong những làng nghề nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc bộ. Theo sử sách ghi lại, trước đây làng có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ và cuối cùng làng được đổi là Đa Sỹ từ giữa thế kỷ 18. Cái tên Đa Sỹ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ. Nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, người dân trong làng rèn các loại vũ khí thô sơ và các nông cụ phục vụ lao động sản xuất. Phải tới thời nhà Trần, đầu thế kỷ thứ 13, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn.

 

 

Nghề rèn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân làng Đa Sỹ.


Cách đây hơn chục năm về trước, để làm ra được 1 sản phẩm, người dân làng Đa Sỹ phải tốn rất nhiều công sức, từ việc cắt phôi sắt, nung nóng, quai búa cho đến cắt gọt rồi mài sắc. Tất cả những công đoạn trên đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, yêu cầu người thợ phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết; do đó, những sản phẩm dao kéo hay cuốc xẻng… mang thương hiệu Đa Sỹ đều có chất lượng cao, được nhiều người tin dùng. Ngày nay, theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các gia đình làm nghề của làng đã đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức người và tăng năng suất lao động. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế nhờ vậy số lượng cũng như chất lượng của các sản phẩm ngày một được nâng cao. Tính ra, trung bình mỗi ngày một người thợ rèn Đa Sỹ có thể mài hàng trăm con dao chất lượng cao cùng với rất nhiều các sản phẩm khác để bán rộng rãi trên khắp cả nước và xuất khẩu đi Lào, Campuchia và các nước Châu Âu. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, vì thế đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.


Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội nghề rèn Đa Sỹ cho biết: Thời điểm hiện tại vẫn còn hơn 900 hộ gia đình sống với nghề rèn tại Đa Sỹ. Nghề rèn đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người Đa Sỹ. Tiếp tục phát huy những giá trị của các thế hệ đi trước để lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng. Cùng với đó là việc cố gắng đảm bảo chất lượng của các sản phẩm do Đa Sỹ sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cả về chất lượng và giá cả.


 Phạm Luân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ