A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không ngại gian khó vì phía trước đang có nhân dân

QPTĐ-Sau khi cơn bão số 3 đi qua, đêm ngày 9 và rạng sáng ngày mùng 10 - 9 đã xảy ra mưa lớn trong nhiều giờ liên tục trên diện rộng, kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho mực nước sông Hồng dâng cao, làm cho nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân. Trước tình hình đó, Ban CHQS huyện Thanh Trì đã tham mưu với UBND huyện huy động tối đa lực lượng, phương tiện, ứng trực 24/24 giờ, tại các vị trí xung yếu để di chuyển triệt để người và tài sản, chăm lo chu đáo nơi ở, nơi sinh hoạt tạm thời cho nhân dân. Sự chủ động, linh hoạt của Ban CHQS huyện đã giúp địa phương đối phó kịp thời với nguy cơ lũ lụt lớn nhất trong vòng 30 năm qua.

Hơn 13 giờ chiều ngày mùng 10-9, Thượng tá Lê Xuân Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Động viên và Trung tá Hoàng Trọng Tuyên, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Thanh Trì mới trở về bếp ăn Cơ quan Quân sự huyện ăn lót dạ bát cơm. Tuy nhiên thấy trời vẫn mưa rơi nặng hạt, hai anh ăn vội vàng và vẫn nguyên bộ quân phục ướt từ sáng sớm, chia thành hai hướng: Xã Hữu Hòa và Liên Ninh, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khẩn trương giúp nhân dân ứng phó với tình trạng nước sông dâng cao.

Lực lượng vũ trang thuộc Ban CHQS huyện Thanh Trì giúp nhân dân di chuyển khỏi nơi nguy hiểm.

Chúng tôi đi cùng cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện và lực lượng dân quân xã đến khu tập thể cơ khí xây lắp số 7 của xã Liên Ninh. Khu tập thể giờ đây như một ốc đảo, bao quanh là nước đục ngàu, ngập sâu ngang thắt lưng. Vừa lội bộ bì bõm theo Trung tá Hoàng Trọng Tuyên trên con đường dẫn vào nhà văn hóa khu tập thể cơ khí xây lắp số 7, tôi vừa hỏi: “Nước dâng cao thế này, huyện có tới 4 đến 5 xã nằm ngoài đê, chắc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang của Ban CHQS huyện căng kéo hết lực lượng để giúp đỡ nhân dân, không có thời gian nghỉ?”. “Đúng vậy, từ đêm mùng 7-9 khi bão đổ bộ vào địa bàn đến nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc Ban CHQS huyện thức xuyên đêm để giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão, chỉ mong sao nhân dân được an toàn, tài sản không bị thiệt hại. Chứ cứ nhìn từ cụ già cho đến các cháu nhỏ bấp bênh trên những căn nhà, con đường ngập nước nguy hiểm thế này không ai có thể cầm lòng, yên tâm ngồi yên được” - Trung tá Hoàng Trọng Tuyên chia sẻ. Còn theo như đồng chí Trần Văn Tiến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Liên Ninh cho biết: “Từ khi bão đổ bộ vào đất liền là mùng 7-9 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS xã hầu như thức trắng, ăn uống cũng chỉ qua loa, khi thì cái bánh, lúc thì bát mỳ trần. Mặc dù dự báo tình hình có thể xảy ra ngập úng, nhưng không ngờ nước lên quá nhanh. Khu tập thể cơ khí xây lắp số 7 của xã, mực nước dâng lên từ 0,8m đến 1,2m, khiến cho nhân dân bất an, lo lắng”.

Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện hỗ trợ đưa các cháu nhỏ đến khu vực an toàn.

Nhìn dòng sông Hồng nước đục ngàu, từng giờ từng phút dâng cao, tôi thoáng rùng mình, khi biết rằng, suốt từ đêm xảy ra mưa bão, bộ đội, dân quân của Ban CHQS huyện phải dò dẫm ngâm mình trong nước lạnh để vào từng ngõ, ngách trong khu dân cư, nơi bị ngập úng để giúp đỡ nhân dân. Suốt từ 2 giờ sáng ngày mùng 9 đến 16 giờ chiều ngày mùng 10, bộ đội, dân quân huyện đã đưa được hơn 80 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu trong khu vực nguy hiểm của hai xã Hữu Hòa và Liên Ninh đến nơi an toàn, vận chuyển vật chất, gia súc, tải sản, kê, kích vật dụng của gia đình để tránh nước ngập, phối hợp với các lực lượng xử lý nước tràn khu vực đê xã Đại Áng. “Trong tình huống khẩn cấp, nguy hiểm, có cán bộ, chiến sĩ nào do dự hay ngần ngại không anh?”. Tôi hỏi Thượng tá Lê Xuân Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Động viên, Ban CHQS huyện Thanh Trì. Chỉ tay về phía con đê chạy qua địa phận xã Đại Áng, anh Thắng cười tươi: “Bão lũ ngoài vất vả còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra mất an toàn liên quan trực tiếp đến tính mạng bản thân, nhưng vì phía trước đang có nhân dân nên mỗi quân nhân chúng tôi chẳng ai còn lo và nghĩ xa về mình như thế. Ai cũng cố gắng bằng mọi cách tiếp cận thật nhanh vị trí người dân đang gặp khó khăn, tìm đủ mọi cách làm sao khẩn trương đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong hoàn cảnh đó, chẳng ai bảo ai, anh em chúng tôi coi người dân như người thân của mình vậy”.

Giúp nhân dân kê, kích đồ đạc tránh nước lũ dâng cao bị ngập.

Còn đối với nhân dân xã Liên Ninh thì câu chuyện tình quân dân gắn bó máu thịt, một lần nữa lại được viết lên bằng những hành động rất thiết thực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc Ban CHQS huyện, liên tục đội mưa, thức xuyên đêm giúp đỡ nhân dân trong thiên tai bão gió. Bác Lương Văn Thi, khu tập thể cơ khí xây lắp số 7, xã Liên Ninh xúc động kể lại: “Trước khi cơ bão số 3 đổ bộ vào đất liền, tôi đang ở quê có việc, chỉ có vợ ở nhà một mình, bà nhà tôi mắt kém lắm. Nghe đài báo bão rất to nên tôi sốt ruột trở về nhà, nhưng khi về đến đầu ngõ, cả khu tập thể nước đã ngập ngang thân người. Trời tối lại mưa gió, chỉ có ánh đèn pin lấp loáng. Đúng lúc ấy, các anh bộ đội, dân quân đã có mặt kịp thời, giúp gia đình tôi kê, kích các vận dụng, như giường, tủ, ti vi..., đưa bà nhà tôi đến nơi an toàn. Tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện nhiều lắm”. Chứng kiến tinh thần giúp nhân dân nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện, ông Nguyễn Văn Sinh, xã Đại Áng xúc động chia sẻ: “Khi chúng tôi phải căng mình đối phó với cơn bão số 3 sắp tràn vào đất liền, các anh em bộ đội, dân quân có mặt từ rất sớm, kịp thời hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ dùng sinh hoạt, tài sản, gia súc đến nơi an toàn. Sau bão lũ lên cao, vẫn là các anh bộ đội, dân quân tiếp tục đồng hành với nhân dân, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. Qua đó thấy rằng, Bộ đội Cụ Hồ luôn là điểm tựa vững chắc cho nhân dân trong những lúc khó khăn, nguy hiểm”.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc Ban CHQS huyện làm xuyên đêm, chống tràn đê xã Đại Áng.

Trong ba ngày, kể từ khi bão số 3 bắt đầu và đến nay kết thúc, khắp các cung đường, ngõ phố trên địa bàn huyện nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung, chỗ nào có sự cố nguy hiểm, cây gãy đổ, ngập úng, tràn đê, dù bất kể đêm hay ngày, chúng tôi đều bắt gặp bóng dáng của màu áo xanh thân thương của bộ đội, dân quân, đầu trần, chân đất, hối hả cùng lực lượng tại chỗ của địa phương tiến hành củng cố đê, kè, di chuyển cơ sở vật chất, giúp nhân dân đến nơi an toàn. Bởi vì, họ là những người lính của “Bộ đội Cụ Hồ”,  luôn hiểu rằng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ dành phần ai”, mà hơn nữa phía trước đang có nhân dân, thì họ sẽ sẵn sàng hy sinh quên mình để phục vụ.

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ