A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Phú Xuyên: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới

 

Nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, huyện Phú Xuyên có 26 xã, 2 thị trấn, với 158 thôn, khu dân cư; diện tích đất tự nhiên 170,2 km2, dân số trên 20 vạn người. Huyện ủy Phú Xuyên xác định việc thực hiện Chương trình số 02 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của huyện nhằm nâng cao đời sống nông dân về mọi mặt.

 

 

Dồn điền đổi thửa, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Xuyên.

 

Theo đó, huyện tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng 4 khâu đột phá là: Dồn điền đổi thửa, cơ giới hoá trong nông nghiệp, thực hiện quy ước NTM và đào tạo, bồi dưỡng luân chuyển cán bộ. Huyện xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc.

 

Với đặc điểm là huyện ngoại thành, có số lao động làm nông nghiệp và có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại và nghĩ rằng xây dựng NTM là do Nhà nước đưa kinh phí về để đầu tư, xây dựng hạ tầng, Mặt trật Tổ quốc (MTTQ) huyện xác định rõ hai nhiệm vụ trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trong đó người dân là “chủ thể”, người dân “tự quản” để xây dựng NTM; giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ, thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng NTM.

 

Không chỉ giữ vai trò tiên phong trong tuyên truyền, vận động mà MTTQ các cấp còn chủ động, tích cực triển khai các hoạt động có tính chiều sâu để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân cùng tham gia. Tiêu biểu như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM.

 

Trong 5 năm (từ 2010 đến 2015), MTTQ, các tổ chức thành viên đã vận động xây dựng “Quỹ vì người nghèo” 2 cấp được 7,434 tỷ đồng; cùng ngân sách huyện và thành phố hỗ trợ 1.282 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 2,42%. Cùng với đó, MTTQ xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” 2 cấp đã vận động được 8,160 tỷ đồng; hỗ trợ xây, sửa 136 nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sỹ.

 

Uỷ ban MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo xây dựng NTM của địa phương, tổ chức đoàn thể hướng dẫn nhân dân đóng góp ý kiến vào các đề án, quy hoạch xây dựng NTM; tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng.

 

Có nhiều sáng kiến, cách làm hay tổ chức để nhân dân làm vừa tiết kiệm được kinh phí vừa nâng trách nhiệm gắn với bảo quản sử dụng sau khi công trình hoàn thành. Đặc biệt, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thường trực Huyện ủy với nhân dân ở các xã để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM. MTTQ huyện đã phát huy trách nhiệm của 158 ban công tác mặt trận ở cơ sở, duy trì hoạt động của 158 nhóm nòng cốt, hơn 200 tổ hòa giải cơ sở, 13 cụm liên kết về an ninh trật tự, 1.173 dòng họ, họ giáo tham gia mô hình dòng họ liên gia tự quản.

 

Trong những năm qua, các tổ đã hòa giải thành công hàng ngàn vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần hạn chế đơn thư và tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, nhân lên tình làng nghĩa xóm, tạo không khí đoàn kết trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, MTTQ huyện còn tổ chức 224 hội nghị để nhân dân bàn và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch và đề án xây dựng NTM góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, tạo cơ sở vững chắc để cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn huyện đã vận động nhân dân tự nguyện góp hơn 50.000m2 đất và 40.000 ngày công lao động xây dựng NTM.

 

Cùng với việc tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách tạo động lực để nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp huyện Phú Xuyên còn tổ chức vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, phát hiện, phản ánh kịp thời với các cấp, các ngành để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch các qui hoạch, đề án, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện, nhất là việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đóng góp của nhân dân trong đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Nhờ đó, nhân dân đã chủ động, tích cực tham gia và tham gia một cách sáng tạo vào quá trình xây dựng NTM. MTTQ các cấp còn phối hợp với các tổ chức thành viên chủ động hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn thực hiện nhiều mô hình dự án, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 

Nhiều mô hình phát triển sản xuất từ các nguồn vốn vay mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho lao động nông thôn như lúa hàng hoá chất lượng cao, su hào Pháp chịu nhiệt trái vụ, nấm ăn, măng tây xanh, rau cần, trồng hoa ly, rau an toàn; mô hình bò sữa, bò sinh sản, bò thịt; mô hình cá truyền thống, cá trắm đen, cá diêu hồng... đều đạt hiệu quả. Từ một huyện còn nhiều khó khăn đến nay Phú Xuyên đã có 07 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu năm 2016 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ