A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Hoài Đức: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh

 

QPTĐ-Hòa cùng không khí đón mừng Xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức có một niềm vui phấn khởi là huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của thành phố Hà Nội. Đây là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức; đồng thời, cũng là tiền đề để huyện triển khai các bước tiếp theo thực hiện Đề án “Xây dựng Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020".

 

 

Khu đô thị Kim Chung-Di Trạch.


Nằm ở phía Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 16km, huyện Hoài Đức là một vùng đất cổ, nằm lọt trong vòng bao của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đáy. Huyện nằm trong vùng quy hoạch đô thị lõi, vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội, với các tuyến đường Quốc lộ 32 và Đại Lộ Thăng Long, huyết mạch thông thương giữa Hà Nội với các vùng lân cận và nhiều dự án đường vành đai. Địa phương có truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa lâu đời, người dân địa phương giàu lòng yêu nước và ý chí kiên cường cách mạng. Trong lao động sản xuất, nhân dân Hoài Đức luôn năng động, sáng tạo và giành được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế. Ghi nhận những đóng góp của nhân dân và cán bộ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Hoài Đức đã được Đảng, Nhà nước và Thành phố tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Ba.

 

 

Người dân Hoài Đức chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao.


Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Hoài Đức đã triển khai và tập trung cao độ. Tính đến hết năm 2016, huyện Hoài Đức có 19/19 xã đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% số xã trong huyện. Một điều đáng mừng là huyện Hoài Đức không có nợ đọng trong công tác xây dựng NTM. Ngay từ đầu năm 2017, huyện đã phối hợp cùng các sở, ngành của Thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020.

 

Cho đến nay, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM với 9/9 tiêu chí cấp huyện đã hoàn thành, 95,2% người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM trên quê hương mình. Từ những xã đầu tiên đạt chuẩn, cho đến sự công nhận huyện đạt chuẩn NTM, đó là chặng đường 5 năm phấn đấu liên tục của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, biết khơi nguồn nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay, góp sức, bằng cả tinh thần và vật lực, tạo nên những nền tảng vững chắc, đáp ứng từng tiêu chí văn minh, hiện đại của một huyện NTM. 


Theo ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, trong quá trình xây dựng NTM, cùng với đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, năm 2017 kinh tế của Hoài Đức tiếp tục phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng: Thương mại-dịch vụ (47,94%), công nghiệp-xây dựng (45,28%), nông nghiệp (6,78%). Tổng giá trị sản xuất thực hiện là 17.290 tỷ đồng, đạt 100,08% kế hoạch và tăng 10,38% so với năm 2016. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Điểm nổi bật trong xây dựng NTM của Hoài Đức là việc thực hiện các tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.

 

Hoài Đức đã phát huy được lợi thế của huyện ven đô, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Việc dồn điền, đổi thửa, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung được khuyến khích. Nhiều hộ đã chuyển đổi từ sản xuất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, rau an toàn, chú trọng đưa những cây có giá trị kinh tế cao và cây đặc sản vào sản xuất.

 

Đến nay, huyện đã triển khai được hàng nghìn hecta trồng rau an toàn, hoa, cây ăn quả tại các xã vùng bãi như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đường, phật thủ, nhãn chín muộn… Cho đến nay, toàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả giá trị cao với tổng diện tích 540ha bao gồm nhãn chín muộn, bưởi đường, cam, táo, ổi tập trung tại các xã Đắc Sở, Yên Sở, Cát Quế, Song Phương, Tiền Yên, Đông La, An Thượng... Sản phẩm Nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, Phật thủ Đắc Sở đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.

 

Toàn huyện hiện có 52/54 làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, 1.299 DN và trên 10.155 hộ sản xuất kinh doanh, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động trong huyện và các vùng lân cận. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội... được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Toàn huyện đã có 107/128 làng đạt Danh hiệu văn hóa, trên 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của huyện đạt trên 45 triệu đồng/năm (tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,52%, giảm 255 hộ so với năm 2016. 


Tin rằng với những kết quả đạt được cùng những giải pháp mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức đang chung tay xây dựng NTM sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn NTM; gắn định hướng xây dựng NTM với tiến trình đô thị hóa trên địa bàn, huyện Hoài Đức trong tương lai gần sẽ là một quận mới của Thủ đô Hà Nội.

 

Thế Hà

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ