A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội niềm tin và hy vọng

 

QPTĐ-Hà Nội luôn được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Mỗi khó khăn hoặc thành công ở đây đều nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Năm Đinh Dậu, Thủ đô Hà Nội để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người. Thành phố triển khai kế hoạch rất lớn phát triển kinh tế-xã hội, nhưng gặp lắm khó khăn, thử thách. Nhiều thời điểm, nhân dân trong nước và bạn bè nước ngoài lo lắng vì ở Hà Nội, thiên tai khắc nghiệt, nắng nóng như thiêu đốt, mưa úng ngập diện rộng; sản phẩm chăn nuôi khó tiêu thụ, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp; bệnh sốt xuất huyết lan rộng, dai dẳng... Thế rồi cuối năm, tất cả thở phào nhẹ nhõm: Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành quả vượt bậc, cả 20 chỉ tiêu kế hoạch đều hoàn thành, trong đó có 7 chỉ tiêu lớn, quan trọng nhất được hoàn thành vượt bậc; tổng sản phẩm tăng 7,3%-cao nhất trong 7 năm trở lại đây; xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%; giá trị gia tăng dịch vụ tăng 8,7%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 208.000 tỷ đồng, vượt 1,6% nhiệm vụ thu, tăng 16% so với năm 2016…

 

 

 

Hà Nội trên đà phát triển.


Giành thắng lợi nhờ vượt lên khó khăn trở thành một truyền thống của Hà Nội, bắt nguồn từ phẩm chất anh hùng. Danh hiệu Thủ đô Anh hùng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tặng cho Hà Nội, bởi anh hùng trong chiến đấu và anh hùng trong lao động. 


Có hai điểm nhấn khi so với năm 2016: Một là, vốn đầu tư phát triển đạt 308.219 tỷ đồng, tăng 10,5%, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,4%. Hai là, khách quốc tế du lịch, nghỉ ngơi đạt 3.226 nghìn lượt khách, chiếm 85,9% và tăng 33,2%... Có thể lý giải đó là kết quả của việc thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư từ đăng ký đến triển khai và tháo gỡ vướng mắc nảy sinh.

 

Thành phố tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, ký biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội 5,2 tỷ USD; tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2017-Hợp tác đầu tư và phát triển”; đặc biệt là khuyến khích đầu tư về du lịch-một mũi nhọn phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước… Song sâu xa hơn, Hà Nội thực sự là một thành phố vì hòa bình. Các thế hệ nối tiếp nhau luôn nuôi dưỡng dòng máu yêu hòa bình, bởi vậy Hà Nội luôn có sức hút bạn bè quốc tế.  


Nói về kết quả đạt được trong năm Đinh Dậu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Yếu tố quyết định thành công chính là sự đổi mới mạnh mẽ từ công tác chỉ đạo, đưa ra các chủ trương tầm vĩ mô, xuyên suốt và sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu đơn vị cũng như các cấp chính quyền địa phương.


Sự đổi mới ấy kế thừa và phát huy sự nghiệp 30 đổi mới (1986-2016) của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô. Các bài học kinh nghiệm trong 30 năm được vận dụng vào thời kỳ mới thật nhuần nhuyễn. Trong năm qua, với tinh thần đó, thành phố sắp xếp xong tổ chức bộ máy của 22 sở và tương đương, các phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm từ 401 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan các cấp xuống còn 280 đơn vị (giảm 30,2%); sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%); tinh giản 1.267 biên chế. Đó là những việc làm không dễ dàng gì, rất khó khăn và nhạy cảm, đụng chạm đến con người.

 

Công nghệ thông tin được ứng dụng hiệu quả theo trọng điểm: Vận hành 611 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 32%), tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 8,8 triệu hồ sơ; 100% đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng; kê khai thuế điện tử 98%; hải quan điện tử 100%; thiết lập hơn 879 nghìn hồ sơ sức khỏe điện tử và cập nhật thông tin của hơn 115 nghìn mẫu xét nghiệm tầm soát ung thư sớm…


Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có vùng nông thôn rộng lớn. Năm qua, thành phố dẫn đầu về kết quả xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo. Có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 285/386 xã (chiếm 73,8%); đã có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nay thêm 2 huyện nữa. Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,68% so với năm trước, thành phố chỉ còn 1,69% hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của thành phố).


Sức mạnh sự nghiệp đổi mới thể hiện cụ thể và sinh động như vậy.


Việc thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính” gắn với tổ chức triển khai hai bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và quy tắc ứng xử nơi công cộng, tạo nên những chuyển biến rõ nét. Hà Nội có thêm 108 trường đạt Chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn lên 1.313, chiếm 61%; tiếp tục dẫn đầu cả nước tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 146 giải (trong đó có 11 giải Nhất); giành được 138 huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.  Thể thao Hà Nội giành được 2.063 huy chương các loại; tham gia Seagames 29, có 107 vận động viên đã giành 50 huy chương (chiếm 30% tổng số huy chương của toàn đoàn).


Số lượng người có công ở Hà Nội chiếm gần 10% tổng số người có công cả nước, công tác đền ơn, đáp nghĩa được quan tâm chỉ đạo và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng. Thành phố vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được 68,13 tỷ đồng; tặng 9.163 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 12,46 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng 481.824 suất quà, với tổng số tiền 199,2 tỷ đồng; đầu tư 194,9 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp 269 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ 955 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 8.211 hộ gia đình người có công, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng thành phố Hà Nội theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Những kết quả đó là sự tiếp nối truyền thống văn minh, thanh lịch người Hà Nội. Nó thể hiện rõ các phẩm chất yêu nước-yêu nhà-yêu đồng bào, giàu nhân nghĩa, chuộng hòa bình; hiếu học, trọng tri thức, ham muốn có trình độ học vấn cao, kiến thức rộng, xứng đáng là người kinh thành-Thủ đô, tiêu biểu cho con người Việt Nam; tài hoa, tinh tế, lao động cần cù, chịu khó, giàu sáng tạo và đạt hiệu quả chất lượng cao trong mọi công việc; có chí tiến thủ, không chịu thua kém người, nhạy cảm với cái mới.


Theo thời gian, Hà Nội liên tục tiếp nhận cư dân mới cùng những lớp văn hoá mới. Cư dân Hà Nội biến đổi và phát triển mạnh mẽ theo đà xây dựng Thủ đô công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhưng truyền thống văn minh-thanh lịch thì luôn được bồi đắp, tích tụ và đổi mới, lắng đọng trở thành tính cách người Hà Nội, bản sắc Hà Nội.


Năm Mậu Tuất đến, truyền thống Thủ đô anh hùng-thành phố vì hòa bình, sức mạnh của sự nghiệp đổi mới và phẩm chất văn minh, thanh lịch của người Hà Nội được phát huy, tạo nên sức mạnh bất chấp mọi khó khăn, thách thức. Đó là điểm tựa niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, của bạn bè ngoài nước vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước giàu mạnh, văn minh, hiện đại. 
Niềm tin và hy vọng đó bền vững, thiết tha như câu ca vẫn luôn vang lên trong những dịp lễ tết:


Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng/của núi sông hôm nay và mai sau.

Hoàng Hương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ