A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2023

QPTĐ-Chiều 9-3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2-2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Đồng chí Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn của UBND Thành phố; đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì họp báo. 

Tham dự Họp báo có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, Thành phố. Buổi họp báo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND Thành phố tới điểm cầu UBND 30 quận, huyện, thị xã.

Tại buổi Họp báo, các đại biểu đã được thông tin về tình hình kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội tháng 2-2023. Theo đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt khá cao so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán; chi ngân sách địa phương thực hiện 2 tháng đầu năm là 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 2 đạt 1.247 triệu USD, tăng 17,2% so với tháng 2-2022 (cùng kỳ tăng 53%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.301 triệu USD, giảm 4,8% (cùng kỳ tăng 30,9%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 2 đạt 3.097 triệu USD, tăng 13,2% so với tháng 2-2022 (cùng kỳ tăng 37,8%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.751 triệu USD, tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 23%).

Quang cảnh Họp báo.
 

Thương mại-Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 đạt 59,490 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 2-2022 (cùng kỳ tăng 11,1%). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 122,452 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 9,9%). Đáng chú ý, ngành du lịch phục hồi mạnh: Trong tháng 2-2023, Thủ đô Hà Nội đón 340 nghìn lượt khách, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế (có lưu trú) đạt 210 nghìn lượt khách, tăng 14,7 lần, khách du lịch nội địa đạt 130 nghìn lượt khách, tăng 39%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng nhẹ 0,49% so với tháng 1 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022. 

Sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng khá, tuy nhiên, lũy kế 2 tháng giảm so với cùng kỳ: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2-2023 tăng 9,4% so với tháng 1-2023 và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,2%; sản xuất đồ uống tăng 36,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 35,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 32,3%... Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, IIP giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 4,6%).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định: Thành phố đang tập trung triển khai sản xuất vụ Xuân 2023. Diện tích mạ đã gieo 4.254 ha, trong đó, 99,8% được che phủ; Diện tích lúa cấy 47.336,2ha, đạt 58,3% kế hoạch. Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong tháng dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịp Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Trong tháng 2, Thành phố thu hút 14,37 triệu USD vốn FDI. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, thu hút 36,7 triệu USD, trong đó: 39 dự án mới với tổng vốn đầu tư 10,9 triệu USD; 12 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 16,5 triệu USD và 41 lượt góp vốn với số vốn góp 9,3 triệu USD.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Thành phố tập trung rà soát tình hình đời sống và thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, chúc Tết; tặng quà các đối tượng chính sách; Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; công nhân viên chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đã trao tặng 1.778.951 suất quà với tổng kinh phí 834.831.713.700 đồng (nguồn vận động xã hội hóa chiếm 15,1%), đạt 150,6% kế hoạch, tăng 14,1% so với Tết Nhâm Dần 2022. Hàng hóa cung ứng phục vụ Tết Nguyên đán dồi dào, đa dạng, giá bán tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Doanh thu bán hàng phục vụ Tết tăng trung bình 15%, trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng khoảng 25-30%. 

Từ nay tới cuối năm, Thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan Trung ương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Thành phố cũng thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh công tác quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn; đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ...

Khánh Hà

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ