A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội ưu tiên giữ lại hoặc dịch chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng

 

Thông tin về việc dịch chuyển cây xanh phục vụ thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng thuộc Vành đai 3 và quan điểm, chủ trương về cây xanh, môi trường của thành phố Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Tuyến đường Vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của thành phố Hà Nội, là tuyến đường hết sức quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội, cũng là trục chính đô thị phục vụ đi lại nội đô Thành phố. Việc xây dựng, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch là yêu cầu hết sức cấp bách và cũng phù hợp với tốc độ tăng trưởng, nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, đoạn Phạm Văn Đồng (từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long) hiện nay vẫn là đường cũ, mật độ xe lưu thông dày đặc với lưu lượng xe thuộc loại cao nhất của Thành phố. Hệ thống giao thông cũ kỹ và các điểm giao đồng mức, dân cư ngày càng cao nên tuyến đường này được thống kê là một trong những tuyến quá tải nghiêm trọng, ùn tắc diễn ra gần như cả ngày tại nhiều điểm giao cắt. Do vậy việc thi công mở rộng tuyến đường huyết mạch này là yêu cầu cấp thiết và tất yếu của Thành phố, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Việc thực hiện dự án theo đúng quy hoạch và thiết kế được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ đề ra là hết sức cần thiết.

 

 

Hàng cây xanh dọc đường Phạm Văn Đồng.

 

Để triển khai dự án, chủ đầu tư đã phải tiến hành giải phóng mặt bằng, giải tỏa 884 hộ dân, 57 cơ quan, đơn vị, công trình hạ tầng kỹ thuật. Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 65% giá trị tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài việc giải tỏa công trình nhà, công trình hạ tầng dọc tuyến đường này có một số lượng cây xanh đáng kể cần phải tính toán, xử lý phục vụ công tác triển khai làm đường. Việc này đã được Hà Nội chú trọng, sớm giao đơn vị tư vấn là Tổng công ty tư vấn Giao thông vận tải TEDI (Bộ Giao thông Vận tải) xây dựng tiêu chí và phương án di chuyển, giải tỏa cây xanh nhằm giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.

 

Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thống nhất thì phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1.315 cây. Trong đó: Giữ nguyên vị trí 142 cây; dịch chuyển 158 cây; cây xanh phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây. Quan điểm của Thành phố về vấn đề này là: Ưu tiên tối đa cho việc giữ lại, dịch chuyển cây; trồng thay thế gấp nhiều lần số cây phải giải tỏa. Phó  Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong khẳng định: Nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo Thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ. Đối với cây phải xử lý trong dự án này, Thành phố giao các cơ quan, đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ.

 

Trả lời câu hỏi của báo chí, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Ưu tiên hàng đầu của Thành phố trong xử lý 1.300 cây xanh là dịch chuyển, giữ nguyên vị trí, bất khả kháng mới chặt hạ. Trong dự án này, Thành phố yêu cầu cao hơn về quy hoạch, cảnh quan kiến trúc, cây xanh được trồng mới trên tuyến đường này sẽ được thiết kế tương tự như hệ thống cây xanh đã trồng trên đường Võ Chí Công. Cụ thể, sẽ thiết kế ba tầng cây, gồm tầng cây cao, tầng cây bụi và tầng thảm cỏ, góp phần làm đẹp cảnh quan, cải thiện môi trường Thành phố.

 

Văn thể


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ