Hà Nội chăm lo phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
QPTĐ-Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng đồng bào các dân tộc; giải quyết tốt những yêu cầu bức xúc, thiết yếu đời sống vùng đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc nghèo, đời sống khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Thành phố đã bố trí 1.106,63 tỷ đồng, trong đó dành hơn 974 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.
100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Trên địa bàn Thành phố hiện có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I, thuộc 4 huyện (Ba Vì có 7 xã, Thạch Thất có 3 xã, Quốc Oai có 3 xã, Mỹ Đức có 1 xã); có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố. Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của Thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm… được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện. Cụ thể, các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt gần 11%, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến nay, đã có 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố đạt chuẩn NTM. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi của Thành phố được duy trì ổn định. Đại bộ phận nhân dân phấn khởi, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác trên địa bàn Thành phố, cần nhu cầu đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện nâng cao đời sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, nhằm giảm dần khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn Thành phố.

Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần.