A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động lực để Thủ đô phát triển

 

QPTĐ-Ngày 31/10, nhân ngày Thành phố thế giới, Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố sáng tạo. Cùng với 65 thành phố khác, Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới Các thành phố sáng tạo trên thế giới. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung đó là, đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố sáng tạo. Ảnh minh họa (Internet)

Sau hơn một năm gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của thế giới, với sự chỉ đạo, định hướng sát sao của chính quyền và sự tham gia nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Hà Nội đang xây dựng hình ảnh một Thủ đô năng động, sáng tạo trong mọi mặt của đời sống, xã hội, trên nền tảng di sản văn hóa là thế mạnh của Thủ đô. Trải qua lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội có một kho tàng di sản văn hóa to lớn, đặc sắc và độc đáo. Đó là  nguồn lực văn hóa, sáng tạo với trên 1.300 làng nghề thủ công; 5.900 di tích; 1.790 di sản văn hóa phi vật thể… Trong lĩnh vực thiết kế phải kể đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long- Di sản văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận năm 2010; là Đoan Môn; Kỳ đài “Cột cờ Hà Nội”, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bắc Bộ Phủ, Khu phố Pháp, Khu phố cổ Hà Nội… 

Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh, triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, góp phần hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...  Bên cạnh đó, theo thống kê Thành phố có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ). Vì vậy, Hà Nội có một nguồn nhân lực dồi dào, giàu sức sáng tạo và khát khao cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là  các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học công nghệ và các không gian sáng tạo…  

Thời gian qua, mặc dù bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sự phát triển kinh tế và xã hội, Hà Nội vẫn đẩy mạnh các hoạt động như công bố chính thức trên trang web của UNESCO về việc gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo; tổ chức thành công cuộc thi thiết kế Km0; ký hợp tác chiến lược với tập đoàn Sovico về dự án phát huy nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên vì Hà Nội-Thủ đô sáng tạo; thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội. Cùng với đó, thành phố Hà Nội cam kết thực hiện 3 dự án mang cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Chương trình Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội; hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Tuy nhiên, việc phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội còn gặp khá nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn này, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn-Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thì Thành phố cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong việc phát triển Thủ đô; hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo của Thành phố và huy động nguồn lực cho các không gian sáng tạo.

Với việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có cơ hội thúc đẩy sự sáng tạo thành động lực cho sự phát triển bền vững và những di sản sáng tạo của Hà Nội, sẽ là phương tiện phát triển, hướng tới mục tiêu là kinh đô sáng tạo của khu vực ASEAN.

Hữu Văn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ