A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đài Tiếng nói Việt Nam với nhiệm vụ phát sóng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

 

20 giờ 3 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhà máy điện Yên Phụ cắt điện, tiếng súng nổ ra tại Hà Nội. Tiếp đó, ngày 20 tháng 12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam tác nghiệp.

 

Giữa tháng 12/1946, không khí chuẩn bị chiến tranh bao trùm cả nước. Liên tiếp trong các ngày từ 15 đến sáng 19/12/1946, quân đội Pháp gây hấn, nổ súng, ném lựu đạn nhiều nơi trong thành phố Hà Nội. Đặc biệt nghiêm trọng là sáng 19/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, ngang ngược đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi được quyền giữ trật tự trong Thành phố. Đây là thời khắc mà sức nhẫn nại chịu đựng của nhân dân ta trước sự khiêu khích, lấn tới của thực dân Pháp đã quá giới hạn.

 

 

Ông Phan Nghiêm, người đã sử dụng máy Wilcox để ghi âm “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.       

             

Trưa 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng đại diện cho các Khu, Tỉnh ủy: Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ ta bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn Pháp sẽ nổ súng. Trung ương chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng”. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam Võ Nguyên Giáp lệnh cho toàn thể lực lượng vũ trang. Nội dung bản mật lệnh: “Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21 tháng 12. Hàng mang mã hiệu A + 2, B - 2. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”.

 

Tổng Chỉ huy quy ước: Khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) phát đi câu: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu” thì đó là hiệu lệnh tiến công. Trưa 19/12, bà Dương Thị Ngân, nữ phát thanh viên đầu tiên của Đài được lệnh chuyển địa điểm làm việc từ phố Gambetta (Trần Hưng Đạo ngày nay) về làm việc tại căn phòng tầng trệt, tòa nhà gần cổng 128C Đại La, thuộc khu điện đài Bạch Mai. Trung đội tự vệ chiến đấu Thành Hoàng Diệu, phân khu Phó Đức Chính, cùng đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ ở đây nhận được lệnh nhanh chóng phá khu điện đài Bạch Mai, không để rơi vào tay quân Pháp như ở Sài Gòn- Gia Định. Đội công nhân xung phong quyết tử được thành lập, ban đầu có 12 người. Sau đó 1 người do dự, tổ chức không tiếp nhận nên còn 11 người. Đội do ông Nguyễn Văn Tân làm Đội trưởng, ông Đỗ Ái Liêm làm Đội phó. Chập tối 19/12, Ủy ban kháng chiến ra lệnh “phá đài trước khi rút lui”.

 

20 giờ ngày 19/12, đèn điện Hà Nội vụt tắt, đại bác nổ vang rền từ Pháo đài Láng. Bà Dương Thị Ngân đọc: “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý! Tiếng súng đại bác đã nổ ở Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu. Sau đây là mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng: Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã bắt đầu! Theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng- Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung- Nam- Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước. Buổi phát thanh phải dừng ở đây. Xin mời đồng bào đón nghe vào sáng mai như thường lệ”.

 

Buổi phát thanh kết thúc. Sau tiếng còi hú vang là tiếng nổ lớn, phá tung khu điện đài Bạch Mai. Bà Dương Thị Ngân cùng tổ công tác cuối cùng của Đài TNVN rút về Chùa Trầm trong đêm 19/12.

Sáng ngày 20/12/1946, Đài TNVN phát đi từ Chùa Trầm với lời xướng “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngầm thông báo với đồng bào, chiến sĩ cả nước yên lòng là Đài Phát thanh quốc gia đã rời Hà Nội đi kháng chiến. Đài TNVN phát toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác qua làn sóng phát thanh ngắn gọn, súc tích đã có sức cổ vũ, động viên lớn lao và là hiệu lệnh để cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ