A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động, kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai

QPTĐ- Chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả; giảm thiểu thiệt hại; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Thủ đô. Đó là phương châm chỉ đạo của thành phố Hà Nội trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Mỹ Đức giúp nhân dân xã An Phú thu hoạch lúa chạy úng (tháng 9 năm 2022).

Thiên tai diễn biến phức tạp

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm trên các vùng miền cả nước. Theo thống kê, đã có 1.072 trận thiên tai của 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần được ghi nhận. Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Đối với Hà Nội, trong năm 2022 đã chịu ảnh hưởng lớn của 13 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, gây ngập lụt nhiều khu vực, nhất là thiệt hại do ảnh hưởng của lũ rừng ngang, lốc, sét, sạt lở đất. Mặc dù Thành phố đã rất chủ động trong công tác phòng ngừa, triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, song thiệt hại do thiên tai gây ra cũng rất nặng nề. Thiên tai đã làm 4 người chết (do sét đánh), 30 ngôi nhà bị ngập, sập đổ; gần 9.000ha lúa bị thiệt hại, gần 2.500ha hoa và rau màu bị ảnh hưởng, hơn 200 cây xanh gãy đổ, hơn 100 gia súc và 36.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 600ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gây ra 39 sự cố làm 2.400m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng...

Theo Tổng cục Khí tượng-Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ nay đến cuối năm, trên biển Đông có khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão, trong đó 5-7 cơn bão có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Từ tháng 7 đến tháng 9, khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện nhiều trận mưa, lũ và đỉnh lũ trên các sông lớn có thể đạt mức báo động cấp I đến cấp II, các sông nhỏ đạt cấp II đến cấp III... Khu vực Bắc bộ và Trung bộ có nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi. Đặc biệt, trong những tháng chuyển mùa, khả năng cao xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá...

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, các sự cố cháy, nổ, sập đổ công trình, tình hình dịch bệnh, trật tự an toàn xã hội... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên; rà soát quy chế hoạt động, triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả. Thành phố chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô và các sở, ngành liên quan duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn; hiệp đồng cụ thể với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, các đơn vị quân đội do Bộ Quốc phòng tăng cường về lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với các tình huống thiên tai. Do vậy, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả ghi nhận.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, không được lơ là, chủ quan. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Trong đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố quán triệt công tác chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc cơ bản "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Có kế hoạch, phương án hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác xây dựng, thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo cụ thể, chi tiết, sát với thực tế tại địa phương, đơn vị. 

Chủ động huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú. Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố; kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy nổ…

 Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thuộc Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện cần thiết, tổ chức triển khai có hiệu quả các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý.

UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn xây dựng, phê duyệt và thực hiện các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Thường xuyên kiểm tra, xác định các khu vực nguy hiểm trên địa bàn, xây dựng phương án bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của nhân dân. Đặc biệt lưu ý đối với các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất. Dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện, xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, môi trường…

Khi có sự cố, thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị kịp thời triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động huy động lực lượng, chỉ huy quyết liệt, ứng phó hiệu quả mọi tình huống xảy ra, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Phương Linh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ