A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ an toàn Thủ đô trước dịch Covid-19

 

QPTĐ-Là Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn xác định phải có trách nhiệm cao hơn, sự nỗ lực lớn hơn, gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo vệ “trái tim” khỏe mạnh nhất. Chính vì vậy, ngay khi đợt dịch Covid-19 thứ tư xảy ra cuối tháng 4, trước nguy cơ bùng phát bởi bên trong đã phát sinh một số ổ dịch phức tạp, bên ngoài thì 8 tỉnh tiếp giáp đều có dịch. Ngoài ra, là trung tâm của cả nước, mỗi ngày Thành phố tiếp nhận hàng ngàn phương tiện và người dân từ khắp nơi đổ về; lượng khách nhập cảnh cũng không nhỏ và các chuyến bay giải cứu... Nhưng Hà Nội đã quyết tâm bảo vệ và đã bảo vệ an toàn, không để dịch lây lan mất kiểm soát. 

Hà Nội thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ Thủ đô an toàn. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, ngay sau ngày 23-7, ngày cả nước ghi nhận hơn 7.300 ca mắc mới; một số tỉnh, thành phố có số ca mắc tăng lên “chóng mặt” với con số hàng nghìn; số ca tử vong cũng bắt đầu tăng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thống nhất 100% giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 17 chính thức thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, từ 6 giờ ngày 24/7/2021. Nhờ chuẩn bị tốt và ủng hộ của người dân, Hà Nội đã thực hiện rất thành công. Đến ngày 5-9, Hà Nội đã 3 lần thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố. Bằng việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, quyết liệt, đồng bộ, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại hầu hết các quận, huyện, thị xã. Từ sau ngày 6-9 đến ngày 21-9, Thành phố thu hẹp áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 chỉ còn 10 quận, huyện và 1 phần của 5 quận, huyện khác; 15 quận, huyện còn lại bắt đầu nới lỏng một số hoạt động. Trong 60 ngày giãn cách xã hội, là khoảng thời gian khó khăn nhất và cũng gây thiệt hại lớn nhất cho kinh tế Thủ đô. Nhưng đổi lại, Hà Nội đã tận dụng có hiệu quả “thời gian vàng” này để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt với chiến dịch thần tốc tiêm phủ mũi 1 vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Theo số liệu thống kê, nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách xã hội, số ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội chiếm khoảng 50%; trong giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 30%; thì đến cuối giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm xuống 8,7%. Đến trước khi kết thúc đợt giãn cách thứ tư, có những ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Cả đợt dịch, Hà Nội chỉ ghi nhận tổng số hơn 4.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, chiếm khoảng 0,4% tổng số ca F0 của cả nước trong đợt dịch này. 

 Là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, song song với công tác phòng, chống dịch, Hà Nội cũng đã tập trung giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm. Thành phố đã tổ chức thành công trọn vẹn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo vệ an toàn tuyệt đối gần 1.000 sự kiện diễn ra trên địa bàn, nhất là kỳ họp Quốc hội, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ... Lãnh đạo Thành phố đã tiếp và làm việc với hơn 30 đoàn ngoại giao, các tập đoàn và doanh nghiệp quốc tế đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư; phối hợp hiệu quả với các cơ quan Trung ương trong các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm thực hiện. Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo điều chỉnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19; tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm học 2021-2022, khai giảng năm học mới đúng kế hoạch bằng hình thức trực tuyến, được truyền hình trực tiếp bảo đảm an toàn tuyệt đối. 

Đặc biệt, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, không chỉ thực hiện kịp thời, đúng quy định chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Hà Nội còn chủ động mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ. Ngoài 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Thành phố đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính đến cuối tháng 9, gần 3,22 triệu lượt người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 1.375 tỷ đồng. Hàng vạn lao động ngoại tỉnh kẹt lại Hà Nội và sinh viên khó khăn, người nước ngoài chỉ với một tờ giấy có xác nhận của tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc địa phương cũng đã nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/người… Ngoài ra, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, nên Hà Nội không những bảo đảm an sinh xã hội cho mình, còn tích cực chi viện cho các tỉnh, thành phố khác. Tính riêng đợt bùng phát dịch thứ tư, Thủ đô đã chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo, tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng...

Hiện nay, UBND Thành phố đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu-chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

 Văn Thể


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ