A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Sáng mãi niềm tin”

 

QPTĐ-Cuộc trưng bày Chuyên đề “Sáng mãi niềm tin” đang diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2018).

 

 

Cuộc trưng bày thu hút nhiều khách tham quan.

 

Trưng bày giới thiệu những câu chuyện cảm động về 5 đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Các đồng chí đã kế tiếp nhau, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, từng bước vượt qua phong ba và đã anh dũng hy sinh. Họ chính là hình ảnh đại diện cho lớp người tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính niềm tin đã tạo nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp người chiến sĩ vượt lên những trận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ địch, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng. 


Phần mở đầu của Trưng bày giới thiệu nội dung: "Nguyễn Đức Cảnh-Dấu ấn nhà cách mạng". Sống hòa mình, cùng lao động với công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, đồng chí đã từng bước gây dựng phong trào cách mạng từ Hải Phòng lan tới vùng mỏ Quảng Ninh của Tổ quốc. Ở nội dung này, người xem cảm nhận về một chiến sĩ cách mạng để lại nhiều dấu ấn cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3/1929), Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929), Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ-tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tháng 7/1929).

 

Nội dung thứ hai, “Tiến bước dưới cờ Đảng” giới thiệu về bốn đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ-những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã anh dũng hy sinh khi chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đường các đồng chí vạch ra. Chính niềm tin các đồng chí dày công xây đắp đã thôi thúc quần chúng yêu nước biến thành hành động trong cao trào đấu tranh giành chính quyền những năm 1939-1945. “Nơi niềm tin tỏa sáng” là nội dung cuối của trưng bày thể hiện sự tri ân công lao của những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. "Nơi niềm tin tỏa sáng" là nội dung cuối của trưng bày thể hiện sự tri ân công lao của những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. 


Trưng bày còn giới thiệu tới công chúng một số tác phẩm tiêu biểu của các đồng chí như: “Luận cương chính trị” (Trần Phú), “Tự chỉ trích” (Nguyễn Văn Cừ)...; một số báo: “Búa liềm”, “Lao động”  và một số truyền đơn, tài liệu của Đảng.


Ông Trần Thanh Bình (quận Tây Hồ), cháu ruột của đồng chí Trần Phú không khỏi xúc động khi xem lại những hình ảnh về một thời hoạt động, chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng của lớp cha anh. Ông chia sẻ: Thế hệ tiền bối ấy đều là được học ở các nhà trường nhưng trường học lớn và thực tiễn nhất chính là những nơi các đồng chí bị tù đày. Chính những nơi ấy đã hun đúc lên ngọn lửa cách mạng, các cụ đã biến các nhà tù thành trường học để đào tạo các thế hệ sau kế tục sự nghiệp cách mạng.


Còn với những cựu chiến binh (CCB) thì đến tham quan Trưng bày cũng là dịp để ôn lại một thời tham gia chiến đấu của bản thân và đồng đội. CCB Nguyễn Văn Bảy (quận Hai Bà Trưng) tâm sự: Những hình ảnh, hiện vật ở đây làm gợi nhớ trong tôi rất nhiều về những ngày đầu cùng tham gia hoạt động cách mạng. Tôi tham gia cách mạng từ năm 12-13 tuổi; hoạt động tại Hà Nội từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, rồi sau này tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Với thế hệ chúng tôi, thì niềm tin với Đảng luôn sáng mãi.


Những đóng góp, hy sinh của lớp cha anh đi trước đã tạo nên những mùa Xuân hạnh phúc cho dân tộc. Ngày hôm nay, những mùa Xuân đó vẫn nở hoa, giúp bồi đắp hơn nữa niềm tin, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Trưng bày chuyên đề "Sáng mãi niềm tin" là lời khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định Cách mạng sẽ thành công. 


Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ