A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế, chính sách để khoa học, công nghệ trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội

QPTĐ-Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định nguyên nhân về mặt thể chế của bất cập, hạn chế trong phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) của Thủ đô: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá. Hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học-công nghệ chưa hoàn thiện; chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn yếu…”. Vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách đột phá để khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển Thủ đô bền vững.

Thiếu cơ chế, chính sách cụ thể

Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô.

Điều 13 Luật Thủ đô năm 2012 quy định về phát triển khoa học và công nghệ: “Tập trung phát triển đồng bộ khoa học, xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ; bảo đảm phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học và công nghệ; huy động sự tham gia, phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác; phát triển các dịch vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, chuyển nhượng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch trên địa bàn Thủ đô.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài; chính sách ưu đãi để áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ và các nhà khoa học và công nghệ tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô trên cơ sở cân đối nguồn lực của địa phương để thực hiện”.

Nội dung Điều 13, Luật Thủ đô năm 2012 được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KHCN và các nhà khoa học và công nghệ tham gia thực hiện chương trình KHCN trọng điểm của Thủ đô, Nghị quyết số 14/2013/NQHĐND ngày 17/7/2013 của HĐND thành phố Hà Nội về trọng dụng nhân tài xây dựng và phát triển Thủ đô. Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là các chủ trương, chính sách nhằm chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Tuy nhiên, hoạt động KHCN của thành phố Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. KHCN và đổi mới sáng tạo còn chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển KHCN.

Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là những bất cập trong chính sách về KHCN. Cụ thể, chính sách trọng dụng nhân tài đã được quan tâm, nhưng cơ chế ưu đãi chưa hấp dẫn, chưa đủ mạnh, để thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề trọng tâm của Thành phố.

Chính sách quản lý khoa học và công nghệ của Thành phố chưa có những đổi mới đột phá, chưa tạo được cơ chế thông thoáng, thuận lợi khai thác tối đa tiềm lực cơ sở vật chất và nguồn lực chất xám của các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng của Thủ đô Hà Nội và Trung ương đóng trên địa bàn tham gia nghiên cứu khoa học, cũng như chưa huy động được các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với nhà nước, đặc biệt là các hoạt động sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ.

Thiếu cơ chế, chính sách có tính nổi trội nhằm hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ KHCN cấp Thành phố; chưa tạo ra được sự kết nối bền vững, thực chất và hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ (bên cung) với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước (bên cầu) là một rào cản không nhỏ làm hạn chế tính thực tiễn, tính ứng dụng của các sản phẩm khoa học - công nghệ, nhất là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thị trường KHCN còn manh mún, phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Chủ trương, chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô chưa rõ ràng, chưa phát huy tác động tích cực như kỳ vọng, thiếu cơ chế liên kết các tổ chức có hoạt động hỗ trợ hiệu quả và đủ mạnh để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiếu hành lang pháp lý cho việc thực hiện một số cơ chế có tính đột phá nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phù hợp với yêu cầu đầy thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Hoàn thiện thể chế phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo

Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam ở Hà Nội.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, CNC và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế-xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong vùng kinh tế và cả nước; thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội”. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để xác định mục tiêu chính sách về phát triển KHCN của Thủ đô.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có được giải pháp chính sách mới, đột phá, nổi trội để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Thành phố được quy định các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù trong thu hút, sử dụng, phát huy tiềm lực, vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học giỏi. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành riêng Điều 17 quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với những ưu đãi vượt trội như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, điều kiện làm việc, phát triển năng lực...

Thành phố khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ. Nội dung biện pháp này được dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa trong Điều 25 về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô.

Những cơ chế, chính sách trên sẽ giúp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ được hiện thực hóa, góp phần đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội; nâng cao trình độ khoa học và công nghệ tổng thể của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Phương Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ