A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI

QPTĐ-Sáng 5-12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc kỳ họp thứ mười bốn - kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của Thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội dự kỳ họp.

Dự kỳ họp về phía Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tại kỳ họp này, HĐND Thành phố sẽ xem xét, quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Thành phố với mục tiêu đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân: Quy định các chính sách hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ học phí cho các đối tượng chính sách; mức kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… 

Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố sẽ xem xét 29 báo cáo và thông qua 35 Nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, HĐND Thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2023 và quyết nghị kế hoạch năm 2024 của Thành phố. Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng - năm bản lề, sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025 của HĐND Thành phố. Thành phố triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI.

Các vị đại biểu cũng xem xét, thảo luận, cho ý kiến và quyết nghị các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024 gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các nhiệm vụ có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài của Thành phố đang được tập trung thực hiện như: Hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 với 9 nhóm cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thủ đô được đánh giá là toàn diện, thiết thực, hiệu lực và hiệu quả); hoàn thiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; lập Quy hoạch Thủ đô; triển khai Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Triển khai Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và tu bổ, tôn tạo các di tích văn hoá… để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn của Thành phố.

HĐND Thành phố xem xét, cho ý kiến, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy…

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, tại kỳ họp này, tiến hành hoạt động giám sát quan trọng là thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu theo Quy định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội. HĐND Thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn. Thường trực HĐND Thành phố dự kiến 02 nhóm vấn đề:  Một là, tái chất vấn kết quả thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND Thành phố đã đến thời hạn nhưng tiến độ còn chậm, chưa hiệu quả.  Hai là, chất vấn về nhóm vấn đề giao thông đô thị của Thành phố.

Đây là những nội dung, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết, liên quan đến phát triển Thủ đô và đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân dân, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND Thành phố. Đây cũng là hoạt động giám sát nhằm tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả giám sát theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ và đồng chí Bí thư Thành uỷ.

Kết thúc phiên chất vấn, Thường trực HĐND Thành phố tiếp tục trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết kèm theo phụ lục các mốc thời gian, tiến độ hoàn thành để định kỳ, thường xuyên theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc, giám sát.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ