A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng châu Âu khiến giá dầu thế giới tăng cao

 

QPTĐ-Sau 2 tuần Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (từ 24/2), Mỹ và Liên minh châu Âu áp hàng loạt lệnh trừng phạt Moskva khiến giá dầu thô thế giới vượt mốc 100 USD/thùng, giá vàng tăng cao, chứng khoán tụt dốc. Hiệu ứng xung đột Nga-Ukraine đã tác động mạnh, trực tiếp đến thị trường dầu mỏ và các kênh dự trữ tài sản của giới đầu tư toàn cầu. 

Giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao do nguồn cung bị thiếu hụt do ảnh hưởng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. (Ảnh: INTERNET) 

Theo đó, giá dầu WTI và Brent giao dịch tại New York, London lần lượt tăng đều (4-8%) lên mức 102-105 USD/thùng (ngày 25-28/2), đạt mốc hơn 120 USD/thùng (ngày 5-6/3)-cao nhất trong hơn 7 năm qua kể từ tháng 7/2014. Giá dầu tăng cao do nguồn cung bị thiếu hụt trong nhiều tháng gần đây khi thị trường thế giới bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và mùa đông ở châu Âu đến sớm. Nhưng điểm nóng Ukraine và các đòn trừng phạt của phương Tây đang là nguyên nhân chính làm gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga, bất chấp cố gắng của Lục địa già. 

Tuần qua, Nga mở chiến dịch quân sự “phi quân sự hóa” Ukraine, bảo vệ dân thường vùng miền Đông Donbass, được xem như cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II (kết thúc 1945) và thời kỳ Chiến tranh Lạnh.  Hiện, Nga đang cung ứng nguồn năng lượng chiếm 40% cho châu Âu. Tuy các lệnh cấm vận không nhằm vào hệ thống năng lượng Nga nhưng tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng không hề nhỏ đến thị trường toàn cầu.

Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh trừng phạt các nhà ngoại giao, các quan chức cấp cao Nga, kể cả Tổng thống V.Putin, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Mỹ và phương Tây ngắt kết nối hàng loạt ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. “Điều này nhằm đảm bảo các ngân hàng bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến hoạt động của họ trên toàn cầu”-Tuyên bố chung của các nước cho biết. “Các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số ngân hàng sẽ khiến việc bán xăng dầu của Nga rất khó xảy ra. Hầu hết các ngân hàng sẽ không cung cấp các khoản tài chính cơ bản, do có nguy cơ bị áp lệnh trừng phạt”-chuyên gia J.Kilduff nhận định. Trong một sự kiện khác (25/2), Thủ tướng Đức O.Scholz tuyên bố, dừng cấp phép hoạt động Dòng chảy phương Bắc-2 hợp tác Nga-Đức đầu tư 11 tỉ euro, hoàn thành giai đoạn xây lắp, đang chờ vận hành, có công suất 55 tỉ m3 khí đốt/năm cho châu Âu, quá cảnh qua Đức. Đây là một đòn mạnh giáng vào hợp tác doanh nghiệp Nga, Đức, trong khi châu Âu đang khủng hoảng năng lượng, thiếu trầm trọng khí đốt. Và đương nhiên, Mỹ là quốc gia hưởng lợi! 

Nhằm cứu vãn thị trường “vàng đen”, Mỹ và đồng minh thống nhất mở kho dự trữ dầu để bổ sung 60 triệu thùng tung ra thị trường. Mỹ cam kết sẽ gia tăng xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu, bù đắp lại một phần thiếu hụt. Ngày 2/3 vừa qua, các nước OPEC+ xuất khẩu dầu, do Arab Saudi và Nga dẫn dắt nhóm họp, xác định chính sách của Tổ chức xuất khẩu dầu và đối tác về chiến lược khai thác dầu trong tương lại. Theo đó, từ tháng 4/2022, OPEC+ có thể tăng thêm sản lượng 400.000 thùng/ngày, thay vì mức cắt giảm gần 10 triệu thùng/ngày được thực hiện từ tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong kế hoạch dài hạn cứu giá dầu đã thành công từ mấy năm qua. 

Trong lịch sử, thế giới đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng về năng lượng, khiến giá dầu mỏ cứ tăng dần, bất chấp những giai đoạn giảm giá nhất thời. Nếu như vào trước thập niên 70, giá dầu khá ổn định nhờ nguồn cung dồi dào từ Mỹ thì khu vực Trung Đông bắt đầu trỗi dậy nắm khoảng 80% nguồn cung toàn cầu (1970-1973). Arab Saudi lãnh đạo Tổ chức OPEC, tuyên bố cấm vận dầu mỏ nhằm vào những nước ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur, kết thúc cấm vận (tháng 3/1974), giá dầu toàn cầu tăng từ 3 USD/thùng lên 12 USD/thùng. 

Năm 1979, được xem là mốc khủng hoảng lần 2, nguyên nhân do sự sụt giảm sản lượng dầu sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran, giá dầu nhảy từ 15,85 USD/thùng lên 39,5 USD/thùng. Bởi Iran xuất khẩu 5,4 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 17% tổng sản lượng của OPEC. Cuộc khủng hoảng năng lượng này kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khủng hoảng kéo dài 30 tháng ở Mỹ, khiến các ngành kinh tế, công nghiệp như xe hơi, thép, nhà đất sụt giảm trong 10 năm sau nữa. 

Cuộc khủng hoảng lần 3 xuất hiện vào năm 1990, khi Iraq tấn công Kuwait (8/1990). Liên hợp quốc cấm vận xuất khẩu dầu mỏ với 2 quốc gia này có sản lượng gần 5 triệu thùng/ngày, khiến giá tăng từ 17 USD lên 36-46 USD/thùng, tuy nhiên chỉ kéo dài trong vài tháng năm 1990. Cuộc khủng hoảng này đã góp phần dẫn tới cuộc suy thoái kinh tế, sụp đổ thị trường tín dụng Mỹ. Nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng trong vòng xoáy suy thoái như Canada, Nhật Bản, Anh, Australia. Giai đoạn 2014-2020, giá dầu thế giới lao dốc trong cuộc chiến cạnh tranh giá dầu mỏ của Tổ chức OPEC và Nga với ngành dầu đá phiến Mỹ, khiến giá dầu thô đang từ 100 USD/thùng sụt xuống còn 60-40 USD/thùng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu giảm lại có hiệu ứng tích cực kích thích các ngành kinh tế tăng trưởng.  

Hiện, giá dầu mỏ lại một lần nữa nhảy múa, vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Đây là cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ 4 trong khoảng một thế kỷ qua. Dầu mỏ là một trong những hàng hóa quan trọng bậc nhất, là thành phần trong rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu, nhiên liệu vận tải cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất.

Giới chuyên gia dự báo, thời gian tới, giá dầu có thể tăng mạnh do gián đoạn nguồn cung toàn cầu. “Nếu nguồn cung từ Mỹ hoặc đàm phán hạt nhân ở Vienna không diễn ra như kỳ vọng, giá dầu có thế chạm mốc 150-170 USD/thùng”- C.Carlos, chuyên gia Ngân hàng UBP Thụy Sĩ nhận định. Nhà phân tích thị trường J.Halley (Công ty Oanda, Mỹ) cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga khiến giá dầu giữ mức 120 USD/thùng. “Nếu dầu chạm mốc 150 USD/thùng, tăng trưởng thế giới trong 6 tháng đầu năm nay sẽ xuống mức dưới 1%”-Công ty J.Chase & Co dự báo. Ủy ban châu Âu cảnh báo, “khí đốt và điện khu vực châu Âu sẽ “vẫn ở mức cao và không ổn định cho đến ít nhất năm 2023”. Hiện, giá bán buôn khí đốt cao hơn 400% so với cùng kỳ năm trước, giá bán buôn điện tăng 260%, đẩy giá bán lẻ khí đốt và điện tăng lên 51% và 30%. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ