A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran

 

QPTĐ-Một năm sau vụ Mỹ tấn công tên lửa, sát hại Thiếu tướng Vệ binh Cách mạng Iran Q.Soleimani (3/1/2020) tại Sân bay quốc tế Baghdad, Iraq; Phó Tư lệnh Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) M.Hajazi (ngày 25/12) tuyên bố: Việc trả thù khốc liệt Mỹ vẫn nằm trong kế hoạch ưu tiên của Tehran, mặc dù Iran đã có những cuộc tấn công đáp trả nhằm vào các căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq. “Đó mới chỉ là những cú tát, trong khi các biện pháp đáp trả khốc liệt sẽ được thực hiện”-Ông Hejzi nói: Đòn trả đũa tiếp theo của Iran có thể liên quan đến việc “trục xuất lực lượng Mỹ khỏi Trung Đông”. 

Các cường quốc họp ở Vienna ngày 6/12 về thỏa thuận hạt nhân với Iran. (Ảnh: Internet)

Tuần trước (21/12), diễn ra Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng các nước ký thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhóm P5+1 ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (ICPOA) thống nhất, tiếp tục duy trì các điều khoản thỏa thuận; đồng thời, kêu gọi Iran tôn trọng ICPOA, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU). Các Bộ trưởng cũng khuyến cáo những bất lợi toàn cầu trước việc Tổng thống Mỹ D.Trump đơn phương tuyên bố, rút khỏi thỏa thuận ICPOA. 

Theo đó (7/2015), Nhóm nước P5+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran Kế hoạch ICPOA mang những nội dung chính: Iran ngừng làm giàu uranium cấp độ cao, đóng cửa các cơ sở hạt nhân dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); đổi lại, Liên hợp quốc và Mỹ sẽ dỡ bỏ dần các lệnh cấm vận nhằm vào Tehran. Tức là, Iran dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. 

Cam kết quốc tế của Nhóm P5+1, thực chất là 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an và Đức cùng với EU, tháo gỡ ngòi nổ “Iran-quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân” đã đạt được một số mục tiêu ban đầu từ năm 2015-2017. Liên hợp quốc và Mỹ nới lỏng cấm vận Iran. Gần đây nhất (18/10/2020), lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran mặc nhiên được dỡ bỏ sau 5 năm ký thỏa thuận (2015); đồng nghĩa với việc Tehran có thể hợp pháp mua, bán các loại vũ khí thông thường và hợp tác quốc phòng trở lại với các nước. IAEA cho hay, Iran chấp nhận sự giám sát quốc tế, tuân thủ thỏa thuận ICPOA, đóng cửa các cơ sở làm giàu uranium.

Tuy nhiên, ICPOA bị đe dọa, bởi (năm 2018) Tổng thống D.Trump tuyên bố, hủy bỏ cam kết của Mỹ tại ICPOA, đơn phương áp lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Iran hòng bóp chết nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này, trong đó, có các ngành sản xuất mũi nhọn nhu năng lượng, dầu mỏ, cơ khí, ô tô, ngân hàng, tài chính, đầu tư. 

Ông chủ Nhà Trắng đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách đen “tổ chức khủng bố”, trừng phạt hành loạt các quan chức cấp cao, doanh nhân, doanh nghiệp Tehran. Thậm chí, trừng phạt cả các tổ chức, cá nhân nào có quan hệ kinh tế, hợp tác với Iran.

Đến năm 2020, Mỹ vẫn không ngừng nỗ lực vận động để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, bao gồm việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, song tất cả các nghị quyết do Mỹ dự thảo đưa ra, đều bị bác bỏ. 

Quan hệ Mỹ-Iran xấu đi nghiêm trọng dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump. Mỹ không chỉ bao vây cấm vận Iran mà chính quyền Washington còn nỗ lực hậu thuẫn các nước Trung Đông: Israel, khối đồng minh Arab, vùng Vịnh xiết chặt bao vây kinh tế, gây sức ép quân sự đối với Tehran. Mỹ đã tổ chức nhiều vụ bắt giữ các tàu chở dầu, vũ khí của Iran trên đường đến Yemen, Venezuela. 

Sau vụ ám sát thành công Tướng Q.Soleimani và đội cận vệ Iran, khi ông này vừa đặt chân đến sân bay quốc tế Iraq hồi đầu năm, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran F.Mohsen lại bị các tay súng giết hại gần Tehran (27/11) với “kịch bản rất tinh vi”. Chính phủ Iran cáo buộc, Mỹ và Israel hậu thuẫn một nhóm đối lập đứng đằng sau vụ ám sát này.  

Tuần qua (21/12), Hải quân Mỹ điều tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớp Ohio mang tên lửa dẫn đường USSGeorgia và tàu tuần dương USS Philipines Sea, USS Port Royal thuộc Hạm đội 5, đi qua eo biển Hormuz vào vịnh Ba Tư nhằm phô trương sức mạnh, thách thức Iran. “Các chiến hạm mang 154 tên lửa hành trình tấn công đất liền Tomahawk đi qua Hormuz”-Thông báo của Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ mang tính răn đe, quan ngại Iran sẽ tấn công trả đũa, báo thù Mỹ sau 1 năm Tướng Q.Soleimani bị sát hại. Tuần trước đó, Lầu Năm Góc điều đội hình pháo đài bay B-52 mang vũ khí tấn công hạt nhân tới khu vực Trung Đông. 

Thật ra, quan ngại của Mỹ cũng không thừa. Đêm ngày 20/12, bầu trời Baghdad  (Iraq) sáng chói bởi hàng loạt rocker bắn vào khu vực Vùng Xanh, nơi có Đại sứ quán Mỹ và một số cơ sở quan trọng khác. Chính quyền Baghdad cho hay, hơn 20 quả đạn rocker đã làm rung chuyển khu vực Tòa Đại sứ quán Mỹ, rất may không có thương vong nào với quan chức Mỹ. “Đại sứ quán của chúng ta ở Baghdad bị tấn công. Giờ chúng tôi nghe thấy có những âm mưu nữa nhằm chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq. Một số lời khuyên hữu nghị dành cho Iran. Đó là, nếu còn công dân Mỹ nào thiệt mạng, tôi sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm”-Ông D.Trump viết bình luận trên tài khoản Twitter (23/12). 

Sau những tuyên bố cứng rắn đáp trả Mỹ, tuần qua, Lãnh tụ Tối cao Iran A.Khamenei tuyên bố, “những người ra lệnh giết chết Tướng Q.Soleimani sẽ phải bị trừng phạt. Sự trả thù chắc chắn sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp”. Đài Sputnik (24/12) đưa tin, Iran đang xây dựng hệ thống phòng không gần các căn cứ hạt nhân để đề phòng Mỹ tấn công bằng tên lửa hành trình, tránh bị gián đoạn quá trình làm giàu uranium. Động thái này cho thấy, nguy cơ Kế hoạch ICPOA sụp đổ đang đến gần.

Thế giới kỳ vọng vào sự cải thiện mối quan hệ này dưới nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 46 J.Biden, bắt đầu từ ngày 20/1/2021. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ