A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu gây áp lực hủy Dự án Dòng chảy phương Bắc-2?

 

QPTĐ-Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp C.Beaune (1/2) phát biểu với báo chí: Chính quyền Paris đã chính thức đề nghị Đức rút khỏi Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 (Nord Stream-2) Nga-Đức sau vụ Moskva bắt giữ thủ lĩnh đối lập Nga A.Navalny. 

Nghị viện châu Âu yêu cầu Liên minh châu Âu và Nga dừng việc xây dựng Dự án Dòng chảy phương Bắc. (Ảnh: Internet)

“Các lệnh trừng phạt được áp đặt và chúng tôi có thể thực hiện điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi phải nói rõ rằng, điều này vẫn chưa đủ. Phương án về Dòng chảy phương Bắc-2 đang được cân nhắc. Đây là quyết định của Đức bởi đường ống đó ở Đức”-Ông C.Beaune cho hay. 

Trước đó (21/1), Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và Nga dừng việc xây dựng Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức, đi châu Âu. Nghị quyết nêu rõ, quan hệ giữa châu Âu và Nga xấu đi nghiêm trọng trong những năm qua, các nước EU nên xem xét kỹ trong việc hợp tác với Nga trên các lĩnh vực ngoại giao, xây dựng, bao gồm cả Dự án Dòng chảy phương Bắc-2. Nghị quyết nhấn mạnh, EU không nên tiếp tục tiếp nhận các khoản đầu tư không rõ nguồn gốc từ Nga. 

Giới truyền thông cho rằng, nghị quyết của EP được thông qua trong bối cảnh nhà hoạt động đối lập Nga A.Navalny bị bắt giữ ngay khi từ Đức trở về nước, chứ không bởi áp lực từ lệnh cấm vận của Mỹ. Nghị viện châu Âu yêu cầu các nước thành viên EU cần ban hành các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với các cá nhân và chủ thể khác liên quan của Nga. 

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Dòng chảy phương Bắc-2 là một dự án tư nhân và Liên minh châu Âu không thể áp đặt, ngăn cản nó-Đại diện cấp cao về đối ngoại và chính sách an ninh EU: J.Borrell đưa ra nhận xét. 

Dòng chảy phương Bắc-2 là dự án khủng về khí đốt liên doanh giữa các công ty của Nga, Đức và một số nước châu Âu, đầu tư hơn 10 tỉ euro. Hệ thống bao gồm hệ thống điều hành và 2 tuyến đường ống đi dưới đáy biển dài 2.460 km qua biển Baltic từ Nga sang Đức. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành quý I năm nay, Đức và châu Âu sẽ nhận được 55 tỉ m3 khí đốt/năm. Như vậy, cùng với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ công suất 33 tỉ m3 khí/năm từ Nga sang Thổ, đi châu Âu; các nước Đông Âu, Tây Âu sẽ ngập tràn dầu mỏ, khí đốt của Nga-Điều này, khiến Mỹ vô cùng tức tối? 

Năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Gazprom Nga xuất khẩu 58,5 tỉ m3 khí qua Dòng chảy phương Bắc-AG, tăng lên 59,2 tỉ m3 (năm 2020), đưa tổng lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, giá rẻ hơn hẳn khí hóa lỏng, giai đoạn 2011-2020 lên 382 tỉ m3.

Đến tháng 12/2020, dự án đã hoàn thành 94% khối lượng công việc, chỉ còn 148 km đường ống cuối cùng, bao gồm 120 km nằm trong vùng biển Đan Mạch, 28 km ở vùng biển Đức. Đan Mạch và Đức đã cấp phép cho con tàu Fortuna, Nga thi công đoạn ống còn lại đến cuối tháng 5/2021. Tuy nhiên, dự án bị ách tắc bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Năm 2020, Quốc hội và Bộ Tài chính Mỹ áp dụng Đạo luật CAATSA cấm vận kinh tế các cá nhân, chủ thể Nga; đồng nghĩa với việc đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm công dân Mỹ có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với những người có trong danh sách. 

Ngày 1/1/2021, Thượng viện Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng năm 2021, quy định việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc-2? Các biện pháp còn áp dụng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm, thử nghiệm, kiểm tra hoặc chứng nhận liên quan đến dự án. Hàng chục các công ty quốc tế đang thi công dự án phải bỏ cuộc vì lo ngại bị cấm vận.

Bất chấp Mỹ đe dọa trừng phạt, Nga và Đức-Hai liên doanh chính cam kết, tiếp tục thực hiện đầu tư, sớm đưa dự án vào khai thác. 

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga D.Medvedev (1/2) tuyên bố, Nga có thể sẽ nộp đơn kiện các quốc gia gây trở ngại cho việc thực hiện Dòng chảy phương Bắc-2. “Chúng tôi cần nó và châu Âu, trong đó Đức cũng vậy. Các đối tác của chúng tôi ở Đức cũng nói thẳng về việc này. Nếu họ giữ vững quan điểm và tránh để tâm đến lập trường của Mỹ thì rõ ràng đường ống này sẽ được hoàn thiện”-Ông D.Medvedev nói. 

Thủ tướng Đức A.Markel (21/1) tuyên bố, chính quyền Berlin không chấp thuận các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ Mỹ, “lập trường của chúng tôi về Dòng chảy phương Bắc-2 không thay đổi”! “Đây là một dự án kinh tế và nó cần được hoàn thành, không nên chính trị hóa dự án này”-Bà A.Markel khẳng định; đồng thời cho rằng, “vụ chính trị gia đối lập Nga bị đầu độc” không làm thay đổi quan điểm của Chính phủ Đức đối với dự án dầu khí Nga-Đức.

Phân tích về hiệu quả của dự án khí đốt Nga-Đức, ông Th.Sommer, cựu Tổng Biên tập tờ Die Zeit cho rằng, Dự án Dòng chảy phương Bắc-AG (đang vận hành) trong những năm qua, vận chuyển gần 60 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, mang lại lợi ích lớn cho châu Âu, giúp các nước bỏ dần nguồn năng lượng hạt nhân và than đá. Dòng chảy phương Bắc-2 sẽ tăng gấp đôi nguồn cung mà Đức đang cần trong giai đoạn tới. 

“Quan hệ Nga-Đức vẫn được duy trì ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh”-Ông Th.Sommer nhận xét và phản bác cáo buộc của Mỹ cho rằng, “Đức tài trợ ngân sách cho Nga bằng cách mua khí đốt là hành động đạo đức giả”. Th.Sommer đưa ra dẫn chứng, Mỹ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Nga. “Để nhập khẩu dầu từ Nga, Mỹ đã trả khoảng 13 tỉ USD vào năm 2019, còn trong 6 tháng đầu năm 2020, họ đã trả tăng gấp đôi lượng nhập khẩu của mình”. Ngoài ra, Mỹ còn mua vô khối loại hàng hóa của Nga, trong khi lại cấm các đồng minh quan hệ kinh tế với Nga? 

Với lý do, e ngại châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga; Mỹ ra sức ngăn cản tiến trình triển khai dự án. Một nguyên nhân sâu sa, Mỹ đang lôi kéo các nước châu Âu mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng mang nhãn hiệu USA, khiến Moskva cho rằng, “Mỹ đã cạnh tranh không lành mạnh” về thị phần dầu khí ở châu Âu. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ