A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủy Xuân Tiên ngày ấy, bây giờ

 

QPTĐ- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ đã chiến đấu ngoan cường, cùng bộ đội chủ lực bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó dân quân xã đã trực tiếp bắn rơi một chiếc, bắt sống  một phi công.  Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, Thủy Xuân Tiên đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

Dưới góc cây thị nghìn năm tuổi, những người con ưu tú của  xã Thủy Xuân Tiên,

huyện Chương Mỹ đã lên đường chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Thủy Xuân Tiên giữ một vị trí chiến lược quan trọng, có cầu Tân Trượng trên quốc lộ 6, cầu Sắt trên đường 21, nhiều kho và các đơn vị quân đội là những mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Để bảo vệ các mục tiêu, xã đã  huy động trên 58 nghìn ngày công, đào đắp 25 nghìn m3 đất làm hào giao thông, các trận địa cho 14 đơn vị pháo cao xạ, tên lửa của bộ đội, đóng góp hàng ngàn cây tre làm cầu giả nghi binh để bảo vệ cầu, đồng thời làm trên 1.000 hầm trú ẩn, đào 6.500 hố cá nhân tránh bom đạn.

 

Lực lượng dân quân xã được biên chế 2 đại đội thường trực chiến đấu trên 6 trận địa gồm một trung đội súng 14,5mm 4 nòng, một trung đội  súng máy 12,7mm và trên 40 tay súng trường K44, một trung đội dân quân hậu cần, cứu thương, cứu hỏa, xử lý sập hầm và có một trung đội “bạch đầu quân” làm nhiệm vụ thả kinh khí cầu bảo vệ các trận địa và mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ.


Trong những năm chiến tranh, giặc Mỹ đã thả xuống khu vực Thủy Xuân Tiên trên 300 quả bom phá, hàng nghìn quả bom bi và phóng nhiều đạn rôcket. Các trận địa dân quân xã Thủy Xuân Tiên đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu 60 trận bảo vệ các mục tiêu. Ông Trần Đình Vững, nguyên pháo thủ số 2, khẩu đội súng 14,5mm 4 nòng xã Thủy Xuân Tiên kể lại: “Ngay từ sáng sớm ngày 22/6/1972, máy bay Mỹ đã tập trung đánh phá Hà Nội.

 

Trên bầu trời xuất hiện nhiều tốp máy bay lượn lờ quanh khu vực Xuân Mai rồi bất chợt ném bom xuống cầu Sắt, khu vực kho J106, kho 295 và trường nghiệp vụ Xuân Mai. Khoảng 10 giờ, một tốp máy bay ba chiếc tập trung đánh cầu Tân Trượng bay qua trận địa. Toàn đơn vị nổ súng nhưng không trúng mục tiêu. Đến khoảng 11 giờ, tôi phát hiện có 2 chấm đen liền hô lớn, hướng 4 Trúc Sơn có máy bay địch. Trong giây lát, theo lệnh của chỉ huy trận địa Vũ Đình Lấy, hai khẩu đội súng 14,5mm 4 nòng đồng loạt nhả đạn.

 

Một chiếc máy bay F4H trúng đạn bùng cháy ở độ cao chừng  500 đến 800m, bay ngoặt sang trái, chòng chành lao về hướng Tây Nam rồi rơi tại xã Liên Hoà, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ dân quân Thuỷ Xuân Tiên được Bộ CHQS tỉnh Hà Tây (cũ) và Quân khu 3 biểu dương khen thưởng”.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, xã Thủy Xuân Tiên có gần 1.500 thanh niên nhập ngũ, đi thanh niên xung phong, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Toàn xã có 127 người con ưu tú hy sinh, 125 thương binh và trên 700 cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang xã được Chủ tịch nước tăng thưởng Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và hạng Ba; năm 1998, được tặng danh hiệu “Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.      


Trong thời bình, xã Thủy Xuân Tiên cũng luôn hoàn thành tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, nhất là công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Ban CHQS xã thực hiện nghiêm túc chỉ lệnh huấn luyện, kế hoạch giáo dục chính trị cho các đối tượng dân quân theo chương trình, nội dung quy định. Kết quả hàng năm, 100% đạt yêu cầu, có trên 80% khá, giỏi. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang xã ngày càng được nâng cao, làm nòng cốt trong diễn tập chiến đấu trị an, ứng trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng như các mặt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. 


 Với một đội ngũ cán bộ chủ chốt xã đa số có trình độ đại học, không những lãnh đạo tích cực trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mà còn đầu tư  chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên hàng trăm ha chuyên canh rau màu, cây công nghiệp đưa giá trị trồng trọt chăn nuôi đạt mức trên 70 triệu đồng/ha. Mặt khác, Thủy Xuân Tiên đột phá khai thác thế mạnh của địa phương, đưa sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 7,7%/năm chiếm tỷ trọng 33%, hoạt động thương mại, dịch vụ và các nguồn thu khác đạt trên 173 tỷ đồng, tăng 17,8%/năm, chiếm tỷ trọng 47%. Năm 2015, Thủy Xuân Tiên đã có mức thu  nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm và đã có trên 70% hộ khá và giàu. Thực hiện tiến trình xây dựng nông thôn mới, Thủy Xuân Tiên đã đạt 18/19 tiêu chí và là xã trong tốp khá về tăng trưởng kinh tế  của huyện Chương Mỹ . 


Đồng chí Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với truyền thống là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, Đại hội Đảng bộ xã Thủy Xuân Tiên khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã định hướng mục tiêu phấn đấu: Phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương nhằm chuyển dịch mạnh kinh tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng giá trị trên một/ha canh tác đạt 100 triệu đồng trở lên.

 

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng 82% tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đưa mức tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 12% và đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương để Thủy Xuân Tiên ngày càng đổi mới, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội, Thành phố Vì hòa bình, văn minh, giàu mạnh”.


 Vũ Xuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ