Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103: Phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
QPTĐ- “Thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ không chỉ góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, bảo vệ, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị mà còn là cơ sở quan trọng để Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự (KSQS) 103 hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao...”.
Kiểm tra tác phong trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ
Đó là khẳng định của Đại úy Lê Ngọc Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn KSQS 103 khi trao đổi với chúng tôi về nhiệm vụ của đơn vị. Đồng chí Chính trị viên đơn vị cho biết thêm: Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 có nhiệm vụ duy trì kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, quy tắc trật tự an toàn xã hội đối với mọi quân nhân, phương tiện giao thông vận tải quân sự khi ra ngoài doanh trại. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải nắm chắc kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước làm cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ.
Tiểu đoàn KSQS 103 đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thượng úy Nguyễn Giang Nam, Phó đại đội trưởng Đại đội 3, người đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ KSQS. Vì vậy, anh có khá nhiều kinh nghiệm trong giải quyết, xử lý những tình huống phức tạp nảy sinh. Nam cho biết: Khi kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong, tuyệt đại đa số quân nhân nhận thức được sai phạm của mình và hứa khắc phục.
Nhưng cũng có quân nhân không chấp hành sự nhắc nhở, chấn chỉnh của lực lượng KSQS. Đối với những tình huống đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ KSQS phải nắm chắc kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước để phân tích cho quân nhân nhận thức rõ sai phạm. Cá biệt có trường hợp chúng tôi phải tạm giữ lại, đưa về đơn vị để tiếp tục giáo dục, giúp đỡ, thậm chí liên hệ với đơn vị của quân nhân đó để phối hợp giải quyết.
Còn đối với Binh nhất Nguyễn Ngọc Tân, chiến sĩ Đại đội 3 lại rất vinh dự, tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ KSQS. Tân cho biết, những ngày đầu thực hiện việc chấn chỉnh quân nhân sai phạm cũng không khỏi lúng túng, gượng gạo, nhất là đối với cán bộ, sĩ quan. Song qua rèn luyện, học tập, nắm vững các quy định, đồng thời đối chiếu với chức trách của lực lượng KSQS nên Tân đã tự tin khi thực hiện nhiệm vụ.
Nhiều biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật
Trước hết, Tiểu đoàn tập trung trang bị cho cán bộ, chiến sĩ kiến thức cơ bản về kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước để điều chỉnh hành vi phù hợp với quy định chung, đồng thời làm cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ. Tiểu đoàn xác định phải thực hiện tốt việc tổ chức giáo dục tập trung theo chương trình, kế hoạch. Đây là hình thức cơ bản, được bảo đảm về thời gian, cơ sở vật chất, tài liệu, có tính pháp lý cao.
Theo đó, báo cáo viên pháp luật của Tiểu đoàn đã chú trọng chuẩn bị chu đáo về bài giảng, thực hiện tốt các khâu, các bước của quá trình tuyên truyền, giáo dục; đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp theo hướng tăng cường đối thoại, gắn với mô hình, bảng biểu trực quan, bảo đảm sinh động, hấp dẫn, có tính thuyết phục cao.
Về nội dung, ngoài học tập các chuyên đề theo quy định như: Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, đơn vị đã kịp thời phổ biến cho bộ đội nắm vững các chỉ thị, hướng dẫn, quy định liên quan trực tiếp đến duy trì, chấp hành kỷ luật của Quân đội như: Quyết định 04 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, các chỉ thị, quy định về thực hiện lễ tiết tác phong quân nhân…
Sau mỗi đợt học tập, Tiểu đoàn đều tổ chức thi, kiểm tra nhận thức, đánh giá kết quả; lấy đó là một trong những nội dung, tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng của tập thể và cá nhân. Qua đó, củng cố kiến thức, nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi pháp luật của bộ đội.
Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, Tiểu đoàn đầu tư xây dựng “Tủ sách pháp luật” với hàng trăm đầu sách liên quan thiết thực đến hoạt động, đời sống của bộ đội; trong đó, có những tài liệu, văn bản, hướng dẫn của trên.
Cùng với đó, quy định về thực hiện Ngày Pháp luật được Tiểu đoàn duy trì nền nếp, với các hình thức, như: Quán triệt các văn bản, kiểm tra nhận thức, thông tin, đối thoại, thi tìm hiểu, giải đáp pháp luật... đã làm cho sinh hoạt này thực sự trở thành món ăn tinh thần, thu hút bộ đội tham gia. Trong từng thời gian, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, đổi mới nội dung, phương pháp, tìm ra cách làm hay, sáng tạo để Ngày Pháp luật phát huy hết ý nghĩa trong giáo dục pháp luật cho bộ đội.
Đối với Tiểu đoàn, một trong những kênh quan trọng để giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ đó là chương trình huấn luyện nghiệp vụ kiểm soát quân sự. Thời gian huấn luyện một khóa nghiệp vụ kiểm soát quân sự là 2,5 tháng, trong đó nội dung giáo dục pháp luất chiếm tỷ lệ 20%. Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình huấn luyện nghiệp vụ kiểm soát quân sự của đơn vị tập trung vào những ngành luật liên quan mật thiết tới nhiệm vụ của đơn vị như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản pháp quy và quy định của Quân đội…
Nhờ đa dạng hoá hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tích cực tổ chức thực hành, thực tập nghiệp vụ kiểm soát quân sự mà đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân. Bên cạnh đó, bản thân Tiểu đoàn cũng là đơn vị điển hình về chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước.
P.Linh