A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay trên quê hương Tam Hiệp anh hùng

 

QPTĐ-Cách đây hơn 70 năm, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ được chọn là nơi bảo vệ an toàn cho cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ và Ban cán sự Sơn Tây về hoạt động, chỉ đạo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Tam Hiệp đã anh dũng chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt càn quét của giặc Pháp. Những ký ức hào hùng về một thời sục sôi cách mạng vẫn còn in đậm trong trái tim người dân Tam Hiệp. Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Hiệp hôm nay không ngừng vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hội nghị Đảng ủy xã ra Nghị quyết lãnh đạo chuyển địa phương sang thời chiến trong diễn tập chiến đấu phòng thủ xã năm 2020.

Chúng tôi về xã Tam Hiệp vào những ngày cuối tháng 3 và được chứng kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán phục vụ du khách tham quan, mua sắm của người dân diễn ra sôi động. Trong số hàng trăm du khách đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, không ít người từng nhiều lần về với Tam Hiệp, ai cũng bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” từng ngày trên quê hương cách mạng. Công tác xây dựng nông thôn mới gắn với chỉnh trang nhà ở, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông có bước bứt phá mới. Những tuyến đường liên thôn, liên xã đều được nhựa hóa và bê tông hóa khang trang, hai bên đường là những hàng cây xanh, đường hoa, tạo nên một không khí làng quê trong lành. Để đạt được kết quả đó, trong quá trình triển khai thực hiện, Tam Hiệp đã có nhiều cách làm hay, phù hợp, huy động được cả sức người, sức của trong nhân dân để xây dựng chương trình nông thôn mới. Giới thiệu với chúng tôi về một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương, đồng chí Trần Huy Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp phấn khởi cho biết: “Phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, nhân dân của xã luôn siêng năng cần cù lao động, sáng tạo. Vì vậy, từ nền sản xuất nông nghiệp thuần túy, xã đã chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ nên Tam Hiệp  là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Phúc Thọ về đích nông thôn mới. Xã có các làng nghề in thêu, may quần áo, làm thú nhồi bông phát triển, tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh chiếm 95%, nông nghiệp giảm chỉ còn 5%; tổng giá trị sản xuất toàn xã năm 2020 đạt 810 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 57 triệu đồng/năm, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 13 tỷ đồng”. 

Khác với sự trầm lắng của nhiều làng nghề hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làng nghề của Tam Hiệp vẫn nhộn nhịp không khí sản xuất. Dọc theo tuyến đường trục chính của xã chạy qua các cụm dân cư, hình thành phố nghề với các cửa hàng bày bán, giới thiệu quần áo, sản phẩm may mặc phong phú. Cũng theo đồng chí Trần Huy Huấn, hiện nay, toàn xã có 600 hộ làm nghề may mặc quần áo, các hộ sản xuất rất nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, chủ động thay đổi kiểu dáng, mẫu mã. Với nghề may mặc, các hộ sản xuất theo mùa, mùa Hè may áo chống nắng, áo phông còn mùa Đông may áo phao, áo rét. Hiệu quả của việc sản xuất kinh doanh mặt hàng này mang lại thu nhập cho người dân rất cao, có hộ thu nhập trên 3 tỷ đồng mỗi năm”. Cùng với nghề may, Tam Hiệp còn nổi tiếng với nghề làm thú nhồi bông, in thêu, cà dầm tương. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhìn chung các nghề mà Tam Hiệp đang phát triển không đòi hỏi nhiều về sức khỏe, nhưng đòi hỏi sự khéo léo và chịu khó, rất phù hợp với lao động nữ ở nông thôn, làng nghề đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn xã và các vùng phụ cận trong huyện. Chính nhờ từ sự khéo léo và bàn tay tài hoa của những người thợ, các sản phẩm thú nhồi bông, quần áo của xã Tam Hiệp rất được ưa chuộng trên cả thị trường trong nước và quốc tế.          

Cùng với đó, công tác quân sự, quốc phòng luôn được Đảng ủy, UBND xã quan tâm chú trọng. Với phương châm lãnh đạo toàn diện, Đảng ủy đã lãnh đạo Ban CHQS xã tổ chức thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, trình độ, khả năng SSCĐ của lực lượng dân quân xã được nâng lên rõ rệt, nhiều mặt công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, như: Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, động viên quân đội, công tác vận động quần chúng, công tác huấn luyện, diễn tập, được UBND huyện tặng nhiều Bằng khen. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Anh Việt, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Tam Hiệp cho biết: “Nhiệm vụ khó khăn nhất của địa phương là công tác động viên, tuyển quân và xây dựng lực lượng, do địa phương có nhiều làng nghề phát triển, thu hút lực lượng lớn lao động tham gia. Nhưng nhiều năm qua, chúng tôi đều hoàn thành đủ và vượt chỉ tiêu được giao là do biết phát huy thế mạnh của quê hương cách mạng”. Chia tay quê hương Tam Hiệp anh hùng, vẹn nguyên trong chúng tôi là ấn tượng sâu đậm về một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, tự lực cánh sinh, nỗ lực vượt khó, vững vàng đi lên trên con đường đổi mới.

VĂN TUÂN-VĂN ĐỨC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ