A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trầm Lộng: Căn cứ an toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ

 

Trầm Lộng là xã nằm ở Nam huyện Ứng Hòa, một căn cứ kháng chiến quan trọng của Khu Cháy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ năm 1942 đến 1945, phong trào đấu tranh cách mạng của các tổ chức quần chúng yêu nước như: Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc và Thiếu nhi Cứu quốc của xã đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn dân, anh dũng chiến đấu bảo vệ an toàn tuyệt đối khu (ATK) của Xứ ủy Bắc Kỳ, những chiến công đó được ghi chép vẹn nguyên trong những trang sách lịch sử vẻ vang của xã Trầm Lộng.

 

 

Giáo dục truyền thống cho học sinh ở Trầm Lộng, Ứng Hòa.

 

Trầm Lộng là một trong những xã thuộc Khu Cháy, vốn là một vùng đồng lầy, nước lụt quanh năm, do vậy mọi hoạt động đi lại chủ yếu chỉ dùng thuyền, thúng là phương tiện duy nhất, do vậy địch cũng ít chú ý đến. Năm 1941, thực dân Pháp liên tục tiến hành các cuộc khủng bố cách mạng ở khắp nơi, điển hình là ở Hà Đông cũng như nhiều tỉnh thuộc Bắc kỳ, chúng đã giăng lưới vây ráp, bắt bớ nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú của cách mạng. Để tránh tổn thất và bảo vệ an toàn cho cán bộ, đảng viên, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định gấp rút xây dựng (ATK), để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng được liên tục, thông suốt. Đầu năm 1942, đồng chí Bạch Thành Phong, Bí thư tỉnh hủy Hà Đông được Xứ ủy Bắc Kỳ cử xuống khảo sát cơ sở địa bàn các xã thuộc phía Nam thuộc Khu Cháy của huyện Ứng Hòa. Tiếp đó là đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng đã ngụy trang làm thầy địa lý về nghiên cứu địa bàn, kiểm tra phong trào cách mạng ở xã Trầm Lộng.

 

Để tìm hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử về ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên là Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ứng Hòa cho biết: Sau khi Trung ương tiến hành cuộc khảo sát và nhận định, Trầm Lộng là địa bàn khá an toàn và rất thuận lợi cho việc nuôi giấu cán bộ, là Trung tâm chỉ huy hoạt động cách mạng của Khu Cháy, do vậy năm 1942, Trung ương đã quyết định chọn nơi đây để đặt địa điểm an toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Khi đó các địa điểm tâm linh như đình, chùa, miếu trên địa bàn xã Trầm Lộng đều trở thành cơ sở hoạt động cách mạng, điển hình là ở Chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, không chỉ là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, cất giấu nhiều vũ khí và tài liệu bí mật, mà còn là nơi Xứ ủy họp bàn, đưa ra những quyết sách quan trọng để lãnh đạo phong trào cách mạng.

 

Ông Trần Quyết Tiến, nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trầm Lộng cho biết thêm: Mặc dù vào thời điểm đó phong trào đấu tranh cách mạng của xã diễn ra rất thuận lợi nhưng vẫn còn thiếu vai trò hạt nhân lãnh đạo cách mạng, Ban an toàn khu đã đề ra kế hoạch, tổ chức thành lập chi bộ đảng ở Trầm Lộng, để làm hạt nhân, xây dựng, lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau khi lựa chọn một số cán bộ cốt cán để tổ chức bồi dưỡng, học tập Điều lệ đảng. Ngày 20/6/1942, tại nhà bà Tạ Thị Nấm, chi bộ Đảng đầu tiên ở Trầm Lộng được thành lập, trên cơ sở tìm chọn và phát triển, giác ngộ những quần chúng, đoàn viên thanh niên dân chủ, sau đó chuyển thành đoàn thanh niên phản đế, rồi phát triển trở thành mặt trận Việt Minh.

 

Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và Ban cán sự an toàn khu, phong trào cách mạng ở xã Trầm Lộng và các xã lân cận thuộc huyện Ứng Hòa đã phát triển nhanh chóng, các tổ chức quần chúng yêu nước như: Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc và Thiếu nhi Cứu quốc đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn dân, trong việc tuyên truyền, vận động làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn về đường lối, chương trình hành động của mặt trận Việt Minh, vạch trần những âm mưu thâm độc và sự áp bức bóc lột của bọn Đế quốc và Thực dân phong kiến, đặc biệt là chính sách bóc lột của thực dân Pháp, Nhật và bè lũ tay sai. Đến tháng 8 năm 1942, sau khi biết được an toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ đã chuyển về Nam Ứng Hòa, quân Pháp đã tung bọn tay sai đi dò la tin tức, rồi chúng tổ chức nhiều đợt vây giáp, khủng bố và bắt giữ, tra tấn nhiều người dân vô tội, điển hình là chúng bắt và đánh đập, tra tấn ông Nguyễn Văn Dần và con trai ông là Nguyễn Văn Diệp, nhưng với tinh thân quật cường của hai cha con ông Nguyễn Văn Dần đã kiên quyết một lòng theo Đảng, không khai các cơ sở bí mật của cách mạng. Trước tình hình nguy cấp, các đồng chí lãnh đạo Ban cán sự Xứ ủy Bắc kỳ đã được quần chúng nhân dân bí mật bảo vệ, nhanh chóng di chuyển sang tỉnh Bắc Ninh an toàn. Từ năm 1943 đến tháng 8 năm 1945, phong trào cách mạng ở Trầm Lộng và Tảo Khê tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Đỗ Mười (Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng) thời đó là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hà Đông tiếp tục về gây dựng các cơ sở cách mạng, tổ chức bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Mặt trận Việt Minh lớn mạnh. Ngày 17/8/1945, tại Đình Tảo Khê, đồng chí Đỗ Mười đã phát lệnh xuất kích khởi nghĩa, giành chính quyền tại phủ Ứng Hòa, góp phần cùng cả nước làm lên thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập lên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

Sau ngày thành lập nước, nhân dân Trầm Lộng lại hăng hái lao động, học tập và sản xuất, quyết tâm chống giặc đói, diệt giặc dốt, tiếp tục củng cố, xây dựng phong trào đấu tranh cách mạng. Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân xã Trầm Lộng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tiếp nối truyền thống của quê hương anh hùng, hằng năm cứ vào những ngày thu tháng Tám lịch sử, hoặc vào mùa tuyển quân, Đảng bộ, Chính quyền và Hội Cựu chiến binh xã Trầm Lộng lại tổ chức những buổi nói chuyện truyền thống tại chùa Chòng, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ ôn lại những mốc son lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương, một thời là nơi nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho cán bộ Ban an toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ.

 

Huy Tưởng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ