A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà máy Điện Yên Phụ Ký ức “Dòng điện bất tử”

 

Nhà máy điện Yên Phụ tiền thân là Xưởng phát điện Yên Phụ được xây dựng từ năm 1925, một xưởng phát điện lớn nhất tại miền Bắc bấy giờ. Nhà máy nằm phía Bắc hồ Trúc Bạch, cung cấp điện cho thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nhà máy điện Yên Phụ được ví như một “kho” huyền thoại lịch sử bởi chứa đựng nhiều sự kiện, kỳ tích gắn liền với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong quá trình làm việc, những công nhân Nhà máy điện Yên Phụ đã sớm được giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia vào việc thành lập cơ sở Đảng, lập hội Ái hữu, Trung đội tự vệ…

 

 

Tự vệ chiến đấu bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ trong những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946.

 

Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, chiều ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ nhận nhiệm vụ hết sức trọng đại, cắt điện, báo hiệu cho các đơn vị phối hợp cùng hành động. Mục tiêu đề ra là không phá hỏng thiết bị, chỉ cần cắt điện toàn Thành phố trong một thời gian ngắn. Đồng thời, phải đảm bảo bí mật, chính xác và chắc thắng. Đúng 20h30, ngày 19/12/1946, tiếng nổ lớn vang lên, đèn điện Hà Nội vụt tắt. Hiệu lệnh tấn công đã được phát đi, các đơn vị cùng lúc đồng loạt nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh, nhưng tất cả vẫn tiến lên với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

 

 

Ông Trịnh Văn Tĩnh (ngồi bên trái) xúc động kể về những kỷ niệm kháng chiến.

 

Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, đêm đêm đường Hà Nội vẫn rực sáng ánh điện như một sự thách thức với không lực Hoa Kỳ. Năm 1967, địch leo thang đánh thẳng vào Thủ đô, trong đó Nhà máy Điện Yên Phụ là mục tiêu trọng yếu. Vì thế Nhà máy được Trung ương đặc biệt quan tâm. Xung quanh Nhà máy đều có pháo cao xạ, tên lửa, hỏa mù bảo vệ. Các bức tường Nhà máy điện được sơn đen; xung quanh có tường cao trên 13m, rộng 3m bao bọc.

 

Ông Trịnh Văn Tĩnh, sinh năm 1932, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, là cán bộ Phòng tổ chức kiêm Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ Nhà máy điện Yên Phụ từ năm 1966 đến năm 1972, kể lại trong niềm xúc động: Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1967, địch đã tổ chức 5 đợt tấn công Nhà máy hòng cắt nguồn cung cấp điện cho Thủ đô và nhiều tỉnh lân cận. Nếu Nhà máy điện Yên Phụ ngừng hoạt động thì nhiều hoạt động khác cũng dừng theo. Địch quyết tâm đánh sập Nhà máy. Ta quyết tâm bảo vệ Nhà máy. Tọa độ lửa của các đơn vị phòng không ta đã thiêu cháy hàng chục máy bay siêu hiện đại lúc đó, tóm gọn hàng chục giặc lái, trong đó có John Sney macan, con trai của Tư lệnh Hải quân Mỹ nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt.

 

Năm 1972, địch bắn phá ngày càng quyết liệt nhưng Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” với 12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng máy bay B52 của Mỹ đã minh chứng cho sự dũng cảm, trí thông minh của quân dân Hà Nội. Mỗi lần máy bay Mỹ ném bom khốc liệt vào Thủ đô, nhiều trạm biến áp và đường dây cấp điện bị phá hủy, làm sập nhiều lò hơi. Hai công nhân vận hành lò đã hy sinh trong ngày 21/12, nhà ông Tĩnh cũng bị bom Mỹ tàn phá không còn gì nhưng vì nhiệm vụ ông vẫn ở lại Nhà máy để chỉ huy Đại đội Tự vệ tham gia khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu sập. Nhà máy bị hư hỏng phần lớn trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng. Ngày 27/12/1972, cán bộ công nhân Nhà máy đã khôi phục được 1 số lò hơi và khẩn trương đưa vào vận hành. Tính đến hết quý 1/1973, đã khôi phục xong các thiết bị chính đưa vào sản xuất.

 

Ngày nay, Nhà máy Điện Yên Phụ không còn, nhưng còn đó những chứng tích lịch sử như: Chiếc cầu giao điện 3 pha, được các đồng chí công nhân Nhà máy điện Yên Phụ dùng để cắt điện báo hiệu giờ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đang được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng B52. Lá cờ Quyết tử bảo vệ dòng điện của Thủ đô của cán bộ, công nhân Nhà máy ký bằng máu trong Lễ tuyên thệ đêm ngày 25/10/1967 lưu giữ ở tại Bảo tàng Cách mạng. Bức phù điêu chiến thắng ở đầu phố Nguyễn Khắc Nhu...đó sẽ là điểm gắn kết ký ức về Nhà máy Điện Yên Phụ, với những đóng góp thầm lặng của cán bộ, công nhân Nhà máy, góp phần quan trọng làm nên những kỳ tích đi vào huyền thoại của Hà Nội Anh hùng.

 

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ