A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu chiến binh Thủ đô: Chung sức xây dựng nông thôn mới

 

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” của Trung ương và Thành phố phát động, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) coi đó là một trọng tâm công tác, quán triệt, triển khai đầy đủ, nghiêm túc và sáng tạo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cấp ủy Đảng, chính quyền cho cán bộ, hội viên. Từ đó tạo nên cao trào “CCB chung sức xây dựng nông thôn mới” trong suốt 5 năm vừa qua.

 

 

Cựu chiến binh huyện Đan Phượng tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn.

 

Theo đồng chí Lê Minh Cược, Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội thì Ban chấp hành Hội CCB các cấp đã xây dựng chương trình công tác trong nhiệm kỳ và lồng ghép vào kế hoạch hàng năm về nội dung CCB tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Do đó chương trình nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình, đầy trách nhiệm của cán bộ và hội viên CCB toàn Thành phố. Ban Thường vụ Hội CCB Thành phố yêu cầu Hội CCB các cấp phải là một trong những lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân, gương mẫu, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

 

Có thể nói đây là một nội dung hoạt động được triển khai rộng khắp, toàn diện với sự kiên trì, bền bỉ suốt những năm qua của toàn thể Hội CCB thành phố. Thể hiện cụ thể là việc các cấp Hội CCB tích cực tham gia hưởng ứng lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” của Trung ương và địa phương tổ chức. Ban Chấp hành Hội CCB các cấp từ Thành phố đến cơ sở xây dựng chương trình hành động, tổ chức phát động phong trào thi đua “CCB Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới’. Mỗi Hội cơ sở các huyện ngoại thành đều đăng ký từ 1- 2 mô hình điểm, góp phần phấn đấu đạt từ 1- 2 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, gắn chặt với việc CCB thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và công tác “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư và các phong trào khác của Thành phố.

 

Đồng chí Phạm Quang Tiềm, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố, cho biết: Năm 2014, Hội CCB thành phố chỉ đạo Hội CCB các cấp tổ chức tọa đàm: “Cựu chiến binh Thủ đô tham gia phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” và tổ chức cả ở cấp thành phố. Mới đây nhất, cuộc tọa đàm, tổng kết 5 năm về nội dung đó cũng được tổ chức ở Thành hội. Trong hai cuộc tọa đàm đó, đều kết hợp với Báo Quốc phòng Thủ đô làm phóng sự “Cựu chiến binh Thủ đô tham gia phát triển Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Qua các cuộc tọa đàm đã đánh giá đúng mức sự tham gia, đóng góp của Hội CCB, tìm được nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và xác định rõ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tham gia, đóng góp của Hội CCB, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến, sáng kiến, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, làm tham mưu giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố trong việc Cựu chiến binh tham gia phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Chúng tôi có dịp gặp gỡ, nghe các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp quận, huyện hay phường, xã thì đều có một nhận xét khá thống nhất là hội viên CCB đã  tích cực và chủ động tham gia vào các ban, tiểu ban xây dựng nông thôn mới, từ huyện đến cơ sở; nhiều đồng chí làm trưởng ban, trưởng tiểu ban (con số tổng hợp chung là 8.948 hội viên CCB tham gia). Đây là lực lượng nòng cốt, gương mẫu đóng góp có hiệu quả  trong xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ, công khai, quy hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa, trong công tác dồn điền đổi thửa..., bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để thực hiện các tiêu chí trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Khi tổ chức quán triệt các chủ trương về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy Đảng và chính quyền đặt niềm tin rất cao vào CCB, lấy Hội CCB làm nòng cốt, cán bộ, hội viên nêu cao gương sáng, hiến kế để nhân dân làm theo. Những điển hình được khẳng định là ở các xã Trạch Mỹ Lộc (Phúc Thọ), Việt Hùng (Đông Anh), Tân Hưng (Sóc Sơn), An Khánh và Đông La (Hoài Đức), Nam Triều (Phú Xuyên), Tứ Hiệp (Thanh Trì)...

 

Theo báo cáo của các cấp Hội, trong nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ CCB làm Bí thư Đảng ủy xã chiếm 53%, làm Chủ tịch HĐND xã bằng 53,72% và Chủ tịch UBND xã là 61,5%, tỷ lệ CCB tham gia các ban, tiểu ban trong xây dựng nông thôn mới rất cao, đạt hơn 50%, nhiều địa phương hơn 60%. Nhờ vậy mà CCB góp phần có hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở từng địa phương để thực hiện thắng lợi tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cũng nhờ vậy, đã huy động được sự đóng góp quan trọng, có hiệu quả của CCB vào xây dựng nông thôn mới. Nhiều cấp Hội đã tích cực, chủ động động viên cán bộ, hội viên, nhân dân đóng góp tiền của và kinh nghiệm, khai thác thế mạnh lòng dân, trong đó CCB gương mẫu, tham gia tích cực trong công tác dồn điền đổi thửa. Ở các huyện Đan Phượng, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thạch Thất... từ 8- 15 thửa/hộ trước đây, nay chỉ còn 2- 3 thửa/hộ. Nhiều Hội CCB đảm nhận những đoạn đường, nhà văn hóa, quản lý, bảo vệ môi trường hồ Hà Nội… Cuộc vận động hội viên CCB gương mẫu trong công tác dồn điền đổi thửa, tích cực ủng hộ tiền của, ngày công, vật tư, hiến kế, hiến đất cho xây dựng nông thôn mới đã đem lại những kết quả rất tích cực: 24.179 hộ gia đình hội viên CCB hiến 952.621 m2  đất; đóng góp ủng hộ 78,162 tỷ đồng, 272.401 ngày công lao động; tham gia xây dựng, tu sửa 3.524 km đường giao thông liên thôn, liên xã, đường nội đồng; tham gia đào đắp, tu sửa 2.476 km kênh mương và 3.505 chiếc cầu cống...

 

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội: 5 năm qua, bộ mặt nông thôn Hà Nội đổi mới rõ rệt, đời sống nông dân được nâng lên, hầu hết cơ sở hạ tầng được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, nông nghiệp phát triển khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng giá trị nông sản hàng hóa... Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới tính đến ngày 31-12-2015 là 34.466 tỷ đồng, không kể đầu tư cho quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm: Nguồn ngân sách Nhà nước 23.573 tỷ đồng, nguồn ngân sách xã hội hóa 10.891 tỷ đồng; trong đó các cấp Hội CCB tham gia đóng góp 78,162 tỷ đồng.

 

Thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tạo thế và lực phấn đấu đến hết năm 2020, có hơn 80% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong những kết quả đó có sự đóng góp hiệu quả của Hội CCB các cấp và cán bộ, hội viên CCB luôn gương mẫu, đi đầu và tích cực nhất trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

 

 HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ