A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Duy trì nền nếp chính quy kỹ thuật

 

QPTĐ-Để nâng cao trình độ quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) và đồng bộ súng pháo, khí tài, đạn dược (SPKTĐD), xây dựng nền nếp chính quy công tác kỹ thuật, bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn duy trì, thực hiện nghiêm chế độ kỹ thuật, kịp thời cập nhật diễn biến số lượng, chất lượng chủng loại; thường xuyên tổ chức kiểm tra, sắp xếp theo quy định. 

 

 

Nâng cao chất lượng bảo quản vũ khí.

 

Đến Ban CHQS huyện Ứng Hòa vào ngày thứ Sáu, tuần 4 của tháng 5, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc sôi nổi của cán bộ, nhân viên cơ quan trong Ngày kỹ thuật. Thượng úy QNCN Nguyễn Tiến Lâm, Thủ kho Quân khí cùng một số nhân viên Ban Hậu cần-Kỹ thuật kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy, cửa ra vào, cửa sổ, khóa vòng cò, hòm đạn, tủ súng; thực hành bảo quản một số vũ khí trang bị theo định kỳ. Lâm bộc bạch: “Việc thực hiện nghiêm các chế độ bảo quản như thế này không những giúp duy trì, nâng cao hệ số kỹ thuật của SPKTĐD, mà còn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng cho bộ đội ý thức giữ tốt, dùng bền”.

 

Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Ngày kỹ thuật của đơn vị, Thượng tá Nguyễn Văn Soái, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện chia sẻ: “Căn cứ tình hình nhiệm vụ, Ban CHQS huyện tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của ngày kỹ thuật theo quy định. Qua đó kiểm tra công tác quản lý, kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp để có biện pháp khắc phục, sửa chữa, bảo đảm tốt hệ số kỹ thuật của SPKTĐD cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác”.


Ở các đơn vị chủ lực, việc thực hiện chế độ bảo quản vũ khí-đạn ngày, tuần, tháng  càng được tổ chức chặt chẽ, khoa học, tỉ mỉ hơn.  Ngoài việc bảo quản VKTBKT hàng ngày sau khi tổ chức huấn luyện, thứ Sáu hàng tuần, các phân đội đều tiến hành bảo quản VKTBKT theo chế độ giờ kỹ thuật và mỗi tháng lại tổ chức một ngày kỹ thuật. Điều dễ nhận thấy ở nhà kho quân khí của các đơn vị, SPKTĐD được đăng ký đúng số hiệu, quản lý chặt chẽ đến từng vị trí cất giữ. Đạn dược được phân loại và sắp xếp theo nhóm, đăng ký và quản lý theo lô. Kho tàng được sắp xếp gọn gàng, có sơ đồ quy hoạch, bảo đảm “dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra”. Trên cơ sở hệ thống văn bản về quản lý SPKTĐD đã được ban hành, ngành kỹ thuật các cấp xây dựng và hoàn thiện hệ thống sổ sách, mẫu biểu quản lý theo đúng quy định của ngành.  


Đại tá Mai Trung Tuyến, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức tập huấn nhằm phổ biến các văn bản mới của cấp trên cho các kho và đơn vị. Công tác đăng ký, thống kê SPKTĐD từng bước được củng cố, hoàn thiện, hệ thống sổ sách được cập nhật thường xuyên theo đúng quy định. Các kho, đơn vị, duy trì nghiêm chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra theo phân cấp, chế độ kiểm kê, điểm nghiệm SPKTĐD định kỳ hàng năm. Do đó, SPKTĐD được quản lý chặt chẽ trên cả ba nội dung: Số lượng, chất lượng và tình trạng đồng bộ.”


Cùng với đó, Cục Kỹ thuật còn chỉ đạo Ban CHQS các quận, huyện, thị xã duy trì tốt chế độ kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đạn sẵn sàng chiến đấu ở Ban CHQS xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức lắp khóa vòng cò thống nhất cho tất cả các tủ súng sẵn sàng chiến đấu; chỉ đạo và kiểm tra việc chấp hành các quy định công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ ở tất cả các cơ quan, đơn vị, chú trọng công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối ở các kho vũ khí, đạn. Với các biện pháp đồng bộ, phù hợp, duy trì nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật quân khí trong toàn Bộ Tư lệnh, đã góp phần bảo đảm đầy đủ vũ khí trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

 

(Còn nữa)
Hữu Thu

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ