A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Tài chính Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

 

Trung tá, TS. Bùi Thanh Huyền
Phó Trưởng Phòng Tài chính
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

 

QPTĐ-Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống hơn hàng trăm bài lý luận tuyên truyền sáo rỗng”. Điều đó có nghĩa, khi cán bộ, đảng viên đi đầu nêu gương trước sẽ tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, cán bộ, đảng viên Phòng Tài chính nói riêng và ngành Tài chính Bộ Tư lệnh luôn đi đầu trong việc nêu gương, qua đó góp phần không nhỏ xây dựng Chi bộ Phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên 

Xác định việc nêu gương là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, trong những năm qua, công tác cán bộ của ngành Tài chính Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ qua nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác"; toàn Chi bộ thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới -Trách nhiệm, kỷ cương-Thực chất, hiệu quả”. Người đứng đầu ngành Tài chính luôn trách nhiệm lãnh đạo giữ gìn sự đoàn kết, trước hết là trong tập thể cấp ủy, chỉ huy, từ đó lan tỏa ra toàn đơn vị; coi đây là nền tảng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành Tài chính, xây dựng đơn vị ngày một vững mạnh toàn diện. Trên cơ sở làm gương của người chỉ huy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”, cấp dưới “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. 

Cụ thể, ngay trong Kế hoạch công tác, Chương trình hành động của  của Chi bộ thời gian qua cũng đã xác định: “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới công tác đánh giá cán bộ; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ, bám sát quy chế, phát huy dân chủ, công khai trong thực hiện công tác cán bộ và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ”. Đây được coi là khâu trọng tâm đột phá; vừa đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, vừa phải lấy sự công tâm, công bằng, sự gương mẫu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả các mặt công tác của đơn vị làm tiên quyết.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chương trình đề ra, cấp ủy, chỉ huy đơn vị xác định: Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của các cấp lãnh đạo về thực hiện nhiệm vụ trong năm; coi trọng kỷ luật phát ngôn, nói và làm theo nghị quyết. Quán triệt và tiếp thu những ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị 03, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn có thái độ kiên quyết và tinh thần trách nhiệm cao trong đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, không có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời,  tích cực, chủ động lĩnh hội sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng các cấp và người chỉ huy cấp trên trên cương vị, chức trách được giao; từ đó, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, tâm huyết, tận tụy với công việc; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; mẫu mực về đạo đức, lối sống; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không đổ lỗi, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn giữ vững nguyên tắc dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong sử dụng và đánh giá cán bộ.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần chú trọng phát huy dân chủ, tăng cường xây dựng khối đoàn kết thống nhất, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong tập thể đơn vị; luôn tự phấn đấu, không ngừng học tập từng bước hoàn thiện tác phong, phương pháp công tác khoa học, phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ ở từng thời điểm của bản thân và đơn vị đồng thời phải luôn khiêm tốn, cầu thị, không ngại khó, ngại khổ. Vì nếu cán bộ, đảng viên không có tác phong, phương pháp công tác khoa học thì sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Việc nêu gương của cán bộ ngành Tài chính phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Trong đó, nêu gương về trách nhiệm trong công tác: Cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến công tác. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái, chia rẽ gây mất đoàn kết và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm tiêu cực”.

Để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Tài chính Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương; làm cho việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên.
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ