A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến sĩ áo trắng viết tiếp những chiến công thầm lặng

QPTĐ- Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngành Y tế đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong quá trình đó, công tác điều dưỡng, hộ sinh đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của hệ thống y tế. Tháng 2 năm 1949, trong Thư gửi lớp y tá đầu tiên tại Liên khu I, Bác Hồ đã viết: “Y tá chẳng những là một nghề  nghiệp mà còn là một nghĩa vụ. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc người y tá phải gánh một phần quan trọng. Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm để bảo vệ sự tráng kiện của giống nòi. Những chiến sỹ, y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó; phải giàu lòng bác ái, hy sinh...”. Nhằm tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong việc nghiên cứu, học tập, phổ biến và cập nhật kiến thức, phát huy khả năng sáng tạo và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của y tá, hộ sinh, ngày 26/10/1990, Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 375/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Quân y Bộ Tư lệnh khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Điều dưỡng đã tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế trong việc xây dựng các chính sách cho ngành điều dưỡng, hộ sinh, trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nâng cao trình độ hội viên. Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, hệ thống bệnh viện được củng cố phát triển, các dịch vụ kỹ thuật cao được tăng cường đầu tư phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, thì bên cạnh đó là dịch vụ điều dưỡng chăm sóc người bệnh toàn diện đang được triển khai có hiệu quả và được nhân rộng. Bởi chính những điều dưỡng viên đang là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của ngành Y tế về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cũng như trong việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Hiện nay, Hội Điều dưỡng Việt Nam có 68 hội thành viên bố trí ở 63 tỉnh, thành, với tổng 127.000 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên trong toàn quốc. Hội là thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam.

Với sự đoàn kết, quyết tâm, Hội Điều dưỡng Việt Nam không ngừng củng cố và phát triển mạng lưới Hội ở các cấp, tư vấn và tham gia xây dựng chính sách cho Điều dưỡng, tăng cường năng lực đào tạo, năng lực nghiên cứu, đồng thời nâng cao y đức, văn hóa phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với mục tiêu hoạt động là bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đã góp phần động viên đội ngũ điều dưỡng thêm yêu nghề nghiệp và thúc đẩy công tác chăm sóc tại các cơ sở khám bệnh, làm chuyển đổi bộ mặt chăm sóc điều dưỡng.

Do có nhiều hoạt động đạt hiệu quả tốt, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng III, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế tặng nhiều bằng khen cho các tập thể và cá nhân vì đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc người bệnh và đóng góp xây dựng ngành điều dưỡng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Kế thừa và phát triển truyền thống vẻ vang của ngành Y tế và điều dưỡng Việt Nam, những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, ngành Quân y của Bộ Tư lệnh được kiện toàn đội ngũ, ổn định về biên chế tổ chức, đầu tư trang, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. 

Đến nay lực lượng quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã có đội ngũ chuyên môn đủ khả năng chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Các cơ sở điều trị được quan tâm đầu tư củng cố toàn diện, nhiều trang bị y tế hiện đại đã được trang bị cho các bệnh xá của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và chăm sóc điều trị cho bộ đội và nhân dân.

Các tuyến quân y của Bộ Tư lệnh luôn được chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; duy trì thực hiện nghiêm các chế độ chuyên môn; hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho các đối tượng. Các chỉ tiêu về khám, chữa bệnh hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, tỉ lệ sử dụng giường tuyến bệnh xá đạt trên 50%. 

Làm tốt công tác quản lý sức khỏe theo phân cấp, nắm chắc quân nhân ốm đau phải nằm điều trị tại các bệnh xá, bệnh viện để có biện pháp điều trị xử lý kịp thời; tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho 4.616 cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan, đơn vị; khám phúc tra sức khỏe cho 1.608 chiến sĩ mới bảo đảm chất lượng tốt. Chỉ đạo quân y các cơ quan, đơn vị trực thuộc huấn luyện 5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến cho bộ đội và tuyên truyền công tác vệ sinh phòng dịch bệnh. Vì thế, nhiều năm qua, lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội không để dịch bệnh nguy hiểm, ngộ độc thực phẩm xảy ra, tỷ lệ quân số khoẻ đạt 99,35% trở lên, không có tai biến trong điều trị.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, ngành Quân y của Bộ Tư lệnh còn kết hợp chặt chẽ với y tế địa phương trên địa bàn Thành phố tích cực thực hiện các chương trình y tế Quốc gia, cụ thể chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, ngành Quân y của Bộ Tư lệnh đã làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho 52.000 lượt người; tham mưu với Sở y tế và Ban Quân dân y  Thành phố kiện toàn, huấn luyện 169 phân đội tự vệ y tế , trong đó có 124 đội cấp cứu cơ động, 13 đội phẫu thuật cơ động, 32 đội vệ sinh phòng dịch cơ động với 1.888 cán bộ, nhân viên y tế tham gia. Tổ chức khám bệnh tư vấn sức khỏe, tặng quà, cấp thuốc cho 40.131 đối tượng chính sách với kinh phí 14.934.445.000 đồng, đặc biệt là phối hợp phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của dịch nguy hiểm như Cúm A H7N1, bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết… cho bộ đội và nhân dân, không để xảy ra dịch trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ áo trắng tận hiến hy sinh với những chiến công thầm lặng, tô thắm bản chất truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô trong thời kỳ mới.

Tùng Chi

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ