Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Đại tướng của nhân dân
QPTĐ- Không chỉ ở châu Á, châu Phi mà trên toàn thế giới, từ giữa thế kỷ XX, cụm từ “Việt Nam-Điện Biên Phủ-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp” đã trở thành niềm tự hào, lòng tin, biểu tượng của tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, sức mạnh lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết. Việt Nam xứng đáng là Người chiến sĩ tiên phong trong Phong trào các nước không liên kết, quyết đứng lên giành độc lập, tự do, thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
bàn kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ảnh tư liệu: TTXVN
1.Năm 2024, Đảng, Nhà nước ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tính quyết định, làm sụp đổ mộng xâm lăng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đó là chiến thắng vẻ vang của quân và dân Việt Nam. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, như là một cái mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Dù khiêm tốn nhất, quân và dân ta cũng có quyền tự hào về một chiến thắng oanh liệt giữa thế kỷ XX-Điện Biên Phủ, ghi dấu ấn oai hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, sánh cùng với các chiến công vang dội ghi danh: Chiến tuyến Sông Cầu, Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Thăng Long-kinh đô văn hiến. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một nước thuộc địa nhỏ bé đã đánh thắng một đế quốc thực dân hùng mạnh, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một thực tiễn sinh động, chứng minh hùng hồn và bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh vô song của lòng yêu nước và đỉnh cao của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài trí của Đảng ta và Bộ Tham mưu xuất sắc-Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ đó, cụm từ: “Việt Nam-Điện Biên Phủ-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp” trở thành biểu tượng của tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc, biểu tượng của niềm tin và chiến thắng.
2.Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn là một nhà giáo”. Thật vậy, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã khiến chàng trai trẻ Võ Giáp (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) dạy môn Lịch sử ở Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội sớm tham gia cách mạng (từ năm 1925). Và cũng chính lịch sử đã chọn ông-một nhà giáo, nhà báo, trở thành nhà cách mạng, buộc phải cầm súng gươm cùng đồng chí, đồng bào đánh đuổi quân thù.
Lịch sử đã suy tôn ông là một trong những danh tướng lừng danh thế giới, trong khi hàng triệu người dân đất Việt gọi ông là Đại tướng của nhân dân. Và các thế hệ đồng đội, một thời sát cánh cùng ông chiến đấu trên các chiến trường trìu mến gọi ông là Anh Văn. Các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ tôn vinh ông là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng quê An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Lộc Thủy là vùng đất địa linh, đã từng có nhiều người đỗ đạt cao, có công dựng nước từ thời phong kiến nhà Trần, Hồ, Mạc và kháng chiến chống Pháp. Đất Đại Phong Lộc xưa, trở thành Phong Thủy và Lộc Thủy-địa linh sinh nhân kiệt.
Song thân Đại tướng là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Kiên, sinh hạ 5 người con (3 gái, 2 trai). Cụ Quang Nghiêm-thân phụ Đại tướng, là Nho sinh, không đỗ đạt, làm hương sư, thầy thuốc Đông y trong làng, là cơ sở cách mạng. Năm 1947, giặc Pháp vây ráp Lệ Thủy, đốt nhà dân, bắt cụ Quang Nghiêm-“cha đẻ của hai Việt Minh cộm cán”, giam giữ, tra tấn dã man. Cụ Nghiêm kiệt sức, hy sinh năm 1948 tại Nhà lao Thừa Phủ (Huế).
Mấy tháng trước, chúng tôi có dịp về thăm ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy. Sau vài lần phục dựng, tu bổ, vẫn còn đó, căn nhà khung tre, gỗ, mái lá cỏ gianh thân thương, quen thuộc của cư dân vùng quê đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ. Trên ban thờ nghi ngút khói hương, là chân dung hai cụ song thân của Đại tướng; ảnh chân dung Đại tướng và bà Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1944, phu nhân đầu tiên của Đại tướng). Bà Quang Thái (là đồng chí của Võ Nguyên Giáp, là em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) bị giặc Pháp bắt giam năm 1942, hi sinh năm 1944 tại Nhà tù Hỏa Lò, ở độ tuổi 30. Trên ban thờ gia đình, có hai liệt sĩ: Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Quang Thái.
Ban thờ, còn có ảnh ông Võ Thuần Nho (sinh năm 1914, em trai Đại tướng). Toàn quốc kháng chiến (1947), ông Nho làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Lệ Thủy rồi tham gia Quân đội, mang quân hàm Đại tá, sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Vậy là, đất quê hương đã sản sinh ra các thế hệ yêu nước trong gia đình Đại tướng và họ đã tận tâm, tận lực dâng hiến cho cách mạng.
3.Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như sự trưởng thành, phát triển của Quân đội ta, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 1940, Thế chiến II có chuyển biến mau lẹ. Phát xít Đức tấn công nước Pháp (15/6/1940) buộc Chính phủ Petanh (Pháp) chấp nhận đầu hàng không điều kiện sau 1 tuần lễ tham chiến (22/6/1940). Hoạt động ở Trung Quốc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người thống nhất nhận định: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Tháng 1/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự Phạm Văn Đồng (anh Tô), Võ Nguyên Giáp (anh Văn), Cao Hồng Lĩnh… lần lượt vượt mốc 108 trở về Tổ quốc.
Cuối năm 1944, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nói với mọi người: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn”; thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với lời dặn: “Trong vòng 1 tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), 34 chiến sĩ vũ trang đầu tiên tham dự Lễ thành lập Đội, dưới sự chỉ huy tối cao của nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp; chỉ định các đội viên: Hoàng Sâm (Đội trưởng), Xích Thắng (Chính trị viên), Hoàng Văn Thái (phụ trách tình báo, tác chiến). Từ đó, ngày 22/12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mấy ngày sau, Giải phóng quân đã mưu trí, dũng cảm hạ liền 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần, tiêu diệt, bắt sống toàn bộ quân giặc, gây tiếng vang trong dân chúng. Tháng 8/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, làm lễ xuất quân, tuyên thệ dưới Cờ đỏ Sao vàng tại Tân Trào, tiến quân về đồng bằng, hỗ trợ các tầng lớp nhân dân đứng lên khởi nghĩa, cướp chính quyền từ tay Nhật-Pháp.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, các đội viên Đội Việt Nam Giải phóng quân và lực lượng Công an nhân dân tiếp tục diệt giặc, trừ gian, bảo vệ an ninh, an toàn Ngày Quốc khánh 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt quốc dân, đồng bào cả nước, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Nhà nước công nông đầu tiên khu vực Đông Nam Á; đồng thời, lực lượng quân đội và công an non trẻ làm nòng cốt, hỗ trợ toàn dân đấu tranh giữ nước, dựng xây đất nước.
4.Năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao chức vụ: Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương. Giặc Pháp gây hấn ở Nam bộ rồi Bắc bộ, chúng ngạo mạn ra tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân ta và Tự vệ thành Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (12/1946). Trung đoàn Thủ đô do ông Vương Thừa Vũ chỉ huy làm nhiệm vụ kìm chân quân Pháp để Trung ương và Chính phủ rút lên Chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ hỏi: “Liệu tự vệ giữ được bao lâu?”. Võ Nguyên Giáp tự tin trả lời Bác: “Nông thôn giữ được hai tháng, thành phố khoảng một tháng”. Sau đó, Tự vệ Thủ đô đã giữ thành phố được hai tháng với lời thề sắt đá: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
5. Tài chỉ huy quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chứng minh sinh động, đầy sức thuyết phục qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, quân ta đang trên đà thắng lợi. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận, quyết xóa sổ cứ điểm này. Giao nhiệm vụ cho Tướng Giáp, Bác Hồ nói: “Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền”. “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Đảm nhận trọng trách nặng nề, sứ mệnh cao cả đó, không phụ lòng tin của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Đại tướng đã thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” bằng “đánh chắc, tiến chắc”. Ông và Bộ Tham mưu tác chiến dạn dầy kinh nghiệm trận mạc đã lập nên kỳ tích, đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ. “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hậu phương lớn miền Bắc chi viện lớn cho chiến trường miền Nam, đập tan chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của Không lực Hoa Kỳ, vít cổ nhiều pháo đài bay B-52 Mỹ xuống bùn đen, làm nên “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”-1972. “Cả bốn biển hoan hô Hà Nội. Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris-1973, rút quân về nước.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh lịch sử cho các cánh quân; gửi Bộ Tư lệnh Chiến dịch: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của quân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
6.Hơn 60 năm hoạt động cách mạng (1925-1986), cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự trưởng thành của Quân đội ta: Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (1946-1976); Ủy viên Trung ương Đảng (từ khóa II đến khóa VI); Ủy viên Bộ Chính trị (khóa II, III, IV); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (từ 9/1955-12/1979); Phó Thủ tướng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ 1/1980-12/1986); Đại biểu Quốc hội (từ khóa I đến khóa VII).
Đại tướng được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước Việt Nam và quốc tế. Nhưng vinh dự và trân trọng hơn cả, ông được nhân dân, đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế suy tôn nhiều danh hiệu cao cả, quý hơn vàng mười:
“Đại tướng yêu hòa bình, độc lập, tự do”, “Đại tướng của nhân dân”, “Đại tướng có những quyết định đậm dấu ấn lịch sử”, “Đại tướng viết nhiều sách nhất”, “Đại tướng giỏi nhất”, “Đại tướng trẻ nhất”, “Đại tướng đánh thắng nhiều Đại tướng nhất”.
Trong cuộc đời cầm quân của mình (1946-1976), Tướng Giáp đã lần lượt đánh bại 7 Đại tướng Pháp, 3 Đại tướng Mỹ. Nước Mỹ tham chiến ở Việt Nam (1955-1975), đã phải thay 4 Tổng Tư lệnh, trải qua 5 đời Tổng thống, 12 tướng bị chết trận, 8 tướng bị thương, hàng vạn lính Mỹ và chư hầu thương vong ở Việt Nam.
7.Tuổi cao, không trực tiếp đảm nhận công việc trọng trách nhưng trong lòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đau đáu việc nước, việc đời thường với “một tấc lòng ưu ái cũ. Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”. Đại tướng vẫn miệt mài nghiên cứu, viết sách, đảm nhận Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Căn nhà số 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội), hằng ngày luôn mở rộng cửa đón đồng chí, đồng đội, công nhân và trí thức gặp gỡ ông và các sĩ quan Tổ Thư ký giúp việc. Đại tướng thường hay nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.
Tại phòng khách của Đại tướng có bức trướng ghi lời dạy cán bộ chỉ huy của Bác: “Dĩ công vô thượng” (Đặt việc công lên trên hết). Trên tường, có đôi câu đối tặng Đại tướng: “Văn lo việc nước, văn thành võ. Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”, “Trăm tuổi lừng danh Văn Đại tướng. Nghìn thu vang tiếng Võ Anh hùng”.
Tháng 12/2024
Kiều Nhật Minh