A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SỔ TAY CHÍNH TRỊ VIÊN

Thực tiễn sinh động phải có trong bài giảng

 

QPTĐ-Mới ra trường, trên cương vị là Chính trị viên phó của Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới, khi được giao soạn bài giảng và lên lớp giáo dục chính trị, tôi rất phấn khởi, vì đây là cơ hội tốt để khẳng định khả năng, trình độ của mình. Để đảm bảo bài giảng sinh động, chất lượng, ngoài những nội dung nghiên cứu trong tài liệu, kết hợp với vốn kiến thức được học từ nhà trường, tôi còn tích cực tham khảo sách báo, tạp chí, lịch sử, những kinh nghiệm trong chiến đấu của cha ông để làm ví dụ minh họa sáng tỏ nội dung bài giảng. 

Ngày thông qua phê duyệt giáo án do Tiểu đoàn tổ chức, nội dung bài giảng của tôi  được Chính trị viên Tiểu đoàn đánh giá cao, chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ cả phần giáo án viết tay lẫn giáo án điện tử trình chiếu Powerpoint, có nhiều ví dụ chứng minh sinh động như tranh, ảnh, video làm sáng tỏ chủ đề, hấp dẫn người học. Tuy nhiên, tổng thể vẫn còn thiếu phần giới thiệu truyền thống, nhiệm vụ của đơn vị, chưa có ví dụ thực tiễn hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ, cần bổ sung thêm. “Nội dung đó mình thuộc làu trong đầu, chỉ thêm mấy gạch đầu dòng là “ok”-Tôi thầm nghĩ như vậy”. 

Buổi giáo dục chính trị diễn ra theo đúng kế hoạch, do chăm chỉ thục luyện nên tôi thuộc tất cả nội dung, giảng thoát li hoàn toàn giáo án. Phương pháp thuyết trình, kết hợp với giảng giải phân tích, lấy ví dụ chứng minh, trình chiếu đan xen với video được tôi thao tác nhuần nhuyễn, kết nối giữa các phần chính với nhau khoa học, chặt chẽ, không để thời gian chết hay cháy giáo án. Khi tôi vừa kết thúc bài giảng, thống nhất nội dung thảo luận, ôn luyện cho các trung đội cũng là “zin” hết giờ lên lớp theo quy định. Tôi đang tính về phòng nghỉ ngơi thì tiếng của đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn đã vang lên trong điện thoại: “Cậu giảng xong, lên phòng giao ban Tiểu đoàn mình trao đổi một chút”.  

 Nhận xét thực hiện nội dung bài giảng hôm nay của tôi, cũng giống như buổi thông qua giáo án, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn đánh giá cao, nhất là tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị nội dung và thục luyện bài giảng, khẩu khí tác phong, kỹ năng sư phạm tốt, nhưng về chất lượng buổi học thì chưa đạt yêu cầu. Đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn giọng nhỏ nhẹ: “Nội dung của đồng chí hôm nay lên lớp mình thấy vừa thừa lại vừa thiếu, thừa là những điều chiến sĩ mới họ đã biết mà vẫn nói. Cậu thấy rồi đấy, hơn một trăm chiến sĩ mới của đại đội, chiếm hơn nửa là trình độ từ trung học chuyên nghiệp lên đến đại học, còn lại là tốt nghiệp trung học phổ thông. Kiến thức về tự nhiên, xã hội, lịch sử, nhiều đồng chí nắm rất sâu, chắc. Vậy mà nhiều ví dụ hay có trong bài giảng cậu không nêu ra, tự ứng biến lấy ví dụ ngoài giáo án, trích dẫn các sự kiện mà phương tiện truyền thông đã đề cập quá nhiều, không có gì mới, ai cũng có thể biết. Chỗ cần dẫn chứng cụ thể các mốc son lịch sử lại diễn giải cao siêu, trừu tượng làm cho người nghe khó hiểu, như thế là không thuyết phục”.

Lúc này tôi mới chợt nhớ ra, bài giảng của mình chưa thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo, chỉ bổ sung sơ lược sau khi thông qua giáo án. Khi giảng do quá tự tin với vốn kiến thức thường trực có sẵn trong đầu, dẫn đến say sưa, sa đà không làm chủ được nội dung cần truyền đạt. Tiếng của Chính trị viên Tiểu đoàn vẫn nhẹ nhàng vang lên: “Bài giảng của cậu “cái cần không có, cái có lại không cần”. Yêu cầu đạt được sau khi giáo dục chính trị là chiến sĩ mới họ phải hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội, tự hào về truyền thống của đơn vị mình, vinh dự được thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Phải cho chiến sĩ thấy được mối quan hệ tình cảm thân thiết gắn kết cán binh, tính gương mẫu cán bộ thông qua từ những việc nhỏ nhất hàng ngày, sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với bộ đội như chính người thân ruột thịt của mình. Chiến sĩ mới như một trang giấy trắng, kiến thức về môi trường quân đội họ chưa biết nhiều, vậy phải lấy dẫn chứng thực tiễn sinh động từ bài giảng để bộ đội hiểu, có hiểu chiến sĩ mới yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị… Ngày mình mới ra trường cũng bỡ ngỡ lắm, quan trọng là mình phải biết tiếp thu ý kiến phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm để vươn lên. Công tác giáo dục rất quan trọng, quyết định đến sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Vì vậy, cán bộ chính trị chúng ta càng không được phép chủ quan, đơn giản khi giáo dục cho bộ đội”.

    TÙNG CHI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ