A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước chuyển về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị

 

QPTĐ-Ngày 23/7/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Quán triệt, triển khai thực hiện Đề án, 10 năm qua, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới toàn diện công tác giáo dục chính trị tại các cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của LLVT Thủ đô.

 

Bài 1: Đổi mới toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng Quân đội có bước phát triển, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác giáo dục chính trị. Trong đó, việc cụ thể hóa Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng đòi hỏi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phải tiến hành đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác giáo dục chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT Thủ đô.

Đột phá vào hình thức, phương pháp

Tham quan Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023 Cụm thi đua số 8, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chúng tôi chứng kiến sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của cán bộ chính trị các đơn vị. Với chuyên đề: “Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta trong tình hình hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ”, thay vì đọc cho học viên chép, Đại úy Tô Anh Tùng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Thông tin 610 đã tích cực sử dụng phần mềm trình chiếu powerpoint với những slide hình ảnh, video về  “Mùa xuân Ả Rập” ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông cuối năm 2010, đầu năm 2011; phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bolivar ở Venezuela (từ năm 2017 đến nay)… để làm rõ hơn về những thủ đoạn kích động “bất tuân dân sự”. Đại úy Tô Anh Tùng bộc bạch: “Để khắc phục tình trạng “nhàm chán” trong học tập chính trị, với mỗi chuyên đề, chúng tôi đều cố gắng sử dụng mạng internet và thông qua băng đĩa tư liệu, sách báo… để tìm kiếm hình ảnh, video bổ trợ, giúp người học hứng thú, dễ tiếp thu nội dung bài giảng”.

Đại biểu tham quan sáng kiến giáo dục chính trị năm 2023 tại Tiểu đoàn Thiết giáp 47.

Tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, nơi có số lượng học viên thường xuyên ở mức cao, mô hình đào tạo phong phú, đối tượng học viên đa dạng. Đổi mới phương pháp giảng dạy được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định là một nội dung trọng tâm trong thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Theo đó, Nhà trường đã chỉ đạo các Khoa giáo viên kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại, lấy người học làm trung tâm, phát huy khả năng sáng tạo độc lập của người học để biến “quá trình đào tạo” thành “quá trình tự đào tạo” của mỗi học viên, sử dụng có hiệu quả các phương pháp diễn giảng, đàm thoại, kết hợp sử dụng băng, đĩa hình, phim tài liệu bổ trợ. Cùng với đó, Nhà trường tổ chức hội thi tìm hiểu truyền thống, tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa… Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hàng năm, Nhà trường đã hoàn thành 100% nội dung, chương trình giáo dục chính trị theo quy định. Kết quả kiểm tra nhận thức chính trị cho các đối tượng, 100% đạt yêu cầu, trên 92% đạt khá, giỏi (đối tượng học viên trên 75% đạt khá, giỏi). Nhờ được giáo dục tốt, cán bộ, giáo viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Nhà trường có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có tính tổ chức, kỷ luật cao.

Được biết, trên cơ sở đổi mới toàn diện, đồng bộ các hình thức giáo dục chính trị, thực hiện Đề án, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô đã xây dựng Chương trình số 02 về “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị của LLVT Thủ đô”. Từ đó, triển khai các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục truyền thống; giáo dục chính trị với công tác tư tưởng, giáo dục nhiệm vụ, phổ biến, giáo dục pháp luật, huấn luyện chiến đấu và xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn trong đơn vị. Hình thức giảng dạy chính trị, thảo luận và tổ chức thi, kiểm tra có nhiều cải tiến, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới.

Quá trình triển khai, Bộ Tư lệnh đã tập trung xây dựng đơn vị điểm về đổi mới công tác giáo dục chính trị. Cùng với “đổi mới việc biên soạn tài liệu giáo dục chính trị do đơn vị tự xác định” tại Trường Quân sự, Bộ Tư lệnh giao Sư đoàn Bộ binh 301 “làm điểm về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị và biên soạn giáo án điện tử”; Tiểu đoàn Thông tin 610 “làm điểm về triển khai mạng internet phục vụ công tác giảng dạy chính trị tại đơn vị”. Đặc biệt, chỉ đạo Ban CHQS quận Bắc Từ Liêm và huyện Hoài Đức “xây dựng điểm về bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị cho đội ngũ chính trị viên, chính trị viên phó Ban CHQS xã, phường, thị trấn và đơn vị dân quân tự vệ…”. Từ đó, rút kinh nghiệm để nhân rộng hiệu quả các mô hình trong toàn Bộ Tư lệnh.

Đổi mới chương trình, nội dung

Trên cơ sở nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng theo quy định của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã định hướng biên soạn tài liệu do đơn vị tự xác định (20% tổng thời gian giáo dục chính trị). Trong đó, cấp Bộ Tư lệnh biên soạn 1 đến 3 chuyên đề, các đơn vị từ 1 đến 2 chuyên đề, đưa vào kế hoạch giáo dục chính trị hàng năm và được thông qua cấp ủy. Nội dung các chuyên đề tập trung quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; kết hợp hài hòa giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, của Đảng, của quân đội, đơn vị và địa phương; tăng nội dung, thời lượng phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật; chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, từng bước trang bị kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giao tiếp cho bộ đội.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 692 giải lao sau giờ huấn luyện.

Trao đổi về nội dung trên, Thượng tá Ngô Thanh Sơn, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Phú Xuyên chia sẻ: “Ngoài nội dung giáo dục truyền thống, chúng tôi lựa chọn xây dựng một số chuyên đề để tăng cường giảng dạy cho đối tượng dân quân tự vệ. Có thể kể đến như chuyên đề “Công tác vận động quần chúng của dân quân tự vệ”. Đây là cơ sở để những “chiến sĩ dân vận” ở địa phương nắm được những vấn đề cơ bản về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tham gia phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra ở địa phương, cơ sở…”.

“Quả ngọt" từ thực hiện Đề án

Đại tá Doãn Kim Tuyến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: Cục Chính trị đã tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tại đơn vị. Nhờ vậy, trong 10 năm qua, đã tập trung đổi mới toàn diện 6 hình thức giáo dục chính trị chủ yếu: Học tập chính trị; nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan; sinh hoạt chính trị, tư tưởng; Ngày chính trị và văn hóa tinh thần; thông báo chính trị-thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; giáo dục thông qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua, các cuộc vận động, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, quân đội, ngày truyền thống của đơn vị, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các thiết chế văn hóa, thiết chế dân chủ trong Quân đội. Thông qua việc đổi mới công tác giáo dục chính trị, đã trực tiếp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần, trách nhiệm cao.

Giáo dục chính trị góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm cao cho cán bộ, chiến sĩ.

Và, “quả ngọt” có được từ đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị đó là, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô vẫn thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, LLVT Thủ đô luôn xung kích đi đầu trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Những năm qua, hàng vạn lượt bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô đã không quản hiểm nguy, tham gia khắc phục hậu quả nhiều vụ bão lũ, ngập úng, cháy nổ, tìm kiếm, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô không kể ngày đêm, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, song vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp theo dõi, bảo đảm, phục vụ tại các địa điểm cách ly công dân phòng chống dịch và tham gia các chốt kiểm soát giao thông, tổ tuần tra, tuyên truyền lưu động, phun khử trùng tại các ổ dịch trên địa bàn… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô”.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ cần thiết trong tình hình hiện nay. Để làm được điều đó, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trước hết, đột phá vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng, phương tiện trong đơn vị.

(Còn nữa)

Ngọc Quang

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội