A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Vaccine” tăng sức đề kháng của LLVT Thủ đô Hà Nội

Bài 2: Khơi dậy đam mê học tập cho bộ đội

QPTĐ-Thực tế cho thấy, nếu cán bộ giảng dạy chính trị chuẩn bị chu đáo về giáo án, bài giảng, có phương pháp tốt, biết gắn lý luận với thực tiễn sẽ khiến cho những kiến thức khô khan trong bài học trở nên sinh động, thiết thực và dễ hiểu. Do đó, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp của Bộ Tư lệnh đã đặt ra yêu cầu rất cao về chất lượng chuẩn bị giáo án, bài giảng, chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng để xây dựng đội ngũ cán bộ GDCT thực sự ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.

GDCT cho chiến sĩ ở Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.

Để giảng hay phải có giáo án tốt

Hết giờ hành chính buổi chiều đã lâu nhưng đồng chí Phạm Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì kiêm Chính trị viên Ban CHQS xã vẫn miệt mài, tranh thủ thục luyện một lượt bài giảng GDCT mà chị được giao lên lớp sắp tới. Với chủ đề bài giảng: “Dân quân tự vệ làm công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương”, để minh họa cho bài học, chị Thúy đã sưu tầm, lồng ghép rất nhiều video, hình ảnh dân quân tham gia giúp đỡ nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là hình ảnh dân quân xã nhà không quản ngại nắng mưa, cùng với cấp ủy, chính quyền tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Trao đổi về GDCT cho dân quân, chị Thúy cho biết: “Chất lượng bài giảng là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả công tác GDCT, vì tác động đến nhận thức và hành động của anh em dân quân. Do đó, chúng tôi xác định, muốn có bài giảng hay, thu hút được dân quân tự giác học tập, thì khâu chuẩn bị giáo án phải được đầu tư công phu, chu đáo, có như thế thì khi giáo dục mới đạt hiệu quả cao”. Còn theo như Đại úy Triệu Văn Tuyên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Nội dung trong GDCT, tư tưởng thường “khô khan”, “khó nhớ”. Để bài giảng có chất lượng, hấp dẫn, thì ngay từ khi soạn thảo giáo án, chúng tôi đã phân chia thành 3 phần chính, gồm thời gian, nội dung bài giảng, hoạt động của giáo viên và người học. Trong đó, yêu cầu cao nhất là giáo viên phải dự kiến được các tình huống, lấy nhiều ví dụ chứng minh và xây dựng được hệ thống câu hỏi gợi mở để dẫn dắt vấn đề, cũng như trao đổi, tranh luận với người học. Quá trình lên lớp, truyền đạt phải ngắn gọn, có ví dụ hình ảnh, clip minh họa sát thực tế cho bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ”.

Được biết, hiện nay các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh luôn đặt ra yêu cầu rất cao đối với chất lượng giáo án GDCT. Theo đó, bài giảng phải bảo đảm đúng, đủ nội dung, ngắn gọn, súc tích, có ví dụ, dẫn chứng sát đối tượng và thực tiễn đơn vị. Câu hỏi, nội dung ôn tập, thảo luận phải đúng trọng tâm, trọng điểm. Trước khi lên lớp ba ngày, cán bộ được phân công giảng dạy phải chuẩn bị đầy đủ câu hỏi và đề cương, đáp án theo nội dung bài giảng và được gửi tới người học để nghiên cứu, tìm hiểu trước, làm cơ sở trao đổi, tranh luận trong quá trình giảng dạy. Khi lên lớp, người dạy chỉ tập trung nêu ý chính, tăng cường trao đổi, tranh luận, lồng ghép các tiết mục văn nghệ, khơi gợi khả năng nhận thức, tư duy sáng tạo của người học, tạo tâm lý thoải mái nhất cho người học, xóa bỏ tư tưởng ngại học, lười học và sợ học chính trị.

Rèn kỹ năng và tăng cường thảo luận

Chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến bài giảng chính trị bị “khô cứng”, theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thắng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 cho biết: “Đối với cán bộ mới ra trường do thiếu kinh nghiệm, nên khi giáo dục thường ngại trao đổi với người học. Lí do là sợ hết thời gian, “cháy giáo án”; hai là ngại thảo luận những vấn đề “nhạy cảm”, do quá khó hoặc không xử lý được, làm cho bài giảng chính trị trở nên khô cứng, thiếu hấp dẫn”. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng soạn thảo giáo án, thì việc bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp GDCT và duy trì thảo luận ở tổ, ở trung đội được các đơn vị đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cụ thể, ngoài việc tập huấn, thông qua hội thi, hội thao, dự giảng bài…đơn vị còn tập trung rèn kỹ năng bằng những việc làm cụ thể, như: Phát biểu ý kiến trước hội nghị, hay duy trì một buổi sinh hoạt tập trung; thuyết trình một vấn đề nào đó.

Khi chứng kiến buổi GDCT của Đại  úy Tô Anh Tùng, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn Thông tin 610  giới thiệu về “Một số vấn đề về dân chủ và kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Chúng tôi thật sự ấn tượng, để “hóa giải” sự khô cứng vốn có trong GDCT, trước khi vào nội dung chính, anh Tùng bắt nhịp cho bộ đội hát tập thể để tạo không khí, tiếp đến là trò đố vui. “Đồng chí cho biết ngày tháng năm thành lập Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội? Ai có thể kể nhanh chức trách, nhiệm vụ của chiến sĩ thông tin và công tác bảo quản tài liệu mật?”. Câu hỏi của Thượng úy Tô Anh Tùng vừa dứt, hàng chục cánh tay giơ cao xin trả lời. Không những trả lời chính xác, nhiều chiến sĩ còn mạnh dạn đưa ra ví dụ để làm sáng tỏ ý kiến của mình. Còn trong quá trình giảng bài, Thượng úy Tô Anh Tùng liên tục gợi mở vấn đề, đặt ra nhiều câu hỏi ở cả hai dạng “đóng và mở” để lớp học thảo luận một cách dân chủ, sau đó giáo viên kết luận và định hướng tư tưởng cho người học. Theo quan sát của chúng tôi, bộ đội rất hào hứng, vì bài giảng có nhiều ví dụ dẫn chứng bằng hình ảnh, con số, clip minh họa sinh động, chân thực, tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm bộ đội.  Binh nhất Nguyễn Anh Tuấn, Tiểu đội 3, Trung đội 3, Đại đội 2 tâm sự: “Nhiều nội dung bài giảng chỉ nghe qua, em thật sự cảm thấy trừu tượng, nhưng thông qua các ví dụ minh họa bằng hình ảnh, bằng video, em hiểu ra được vấn đề”. Theo anh Tùng, để không khí học tập chính trị sôi nổi, giáo viên phải biết khơi dậy cho chiến sĩ tinh thần ham học hỏi, tính phát hiện của bộ đội, để họ liên tục phải suy nghĩ “đặt câu hỏi và tự giải đáp”, giống như buổi diễn đàn, tọa đàm trao đổi, chứ không phải là “sân diễn” độc thoại của giáo viên.

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đều làm tốt việc đổi mới công tác bảo đảm vật chất, trang thiết bị dạy học, như hệ thống máy tính, màn hình, băng đĩa, máy chiếu, hệ thống âm thanh, phương tiện kỹ thuật số, tích cực xây dựng, củng cố phòng học khang trang, cảnh quan môi trường đơn vị xanh, sạch, đẹp, bảo đảm phục vụ đắc lực, hiệu quả nhất cho việc nâng cao chất lượng GDCT.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ