“Vaccine” tăng sức đề kháng của LLVT Thủ đô Hà Nội
Bài 1: Tích cực khắc phục vật cản “3 không”
QPTĐ-Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về đổi mới công tác giáo dục chính trị (GDCT) ở đơn vị cơ sở, các đơn vị đã có nhiều giải pháp đột phá trong đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp GDCT, giáo dục pháp luật (GDPL), đạt nhiều kết quả tích cực. Tiêu biểu là đã khắc phục dứt điểm tình trạng “3 không”: Không tự đổi mới; không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy; không chú trọng bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, giáo viên.
Giáo dục truyền thống cho bộ đội ở Tiểu đoàn Thiết giáp 47.
Thực tế nhiều năm trước đây cho thấy, công tác GDCT, GDPL cho bộ đội và lực lượng DQTV các đơn vị cơ sở trong toàn quân nói chung và của Bộ Tư lệnh nói riêng chậm được đổi mới; vật chất, phương tiện dạy học lạc hậu, thiếu sinh động, hấp dẫn. Việc cập nhật các chủ trương, chính sách và các thông tin mới theo sự phát triển của thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang để bổ sung vào bài giảng chưa kịp thời; bài giảng lệ thuộc quá nhiều vào tài liệu mà chưa chú trọng lấy những dẫn chứng minh họa cụ thể. Ứng dụng công nghệ thông tin, các mô hình, học cụ sáng kiến phục vụ trong GDCT, GDPL ở nhiều đơn vị còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả, nên không kích thích được tính tự giác, ham học hỏi của bộ đội và DQTV. Dẫn đến, sự chuyển biến tiến bộ về chấp hành kỷ luật, pháp luật, xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị an toàn chưa thực sự vững chắc. Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Toản, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Sư đoàn Bộ binh 301 cho biết: “Các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật trong Quân đội có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng chúng tôi thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa thực sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác GDCT, tư tưởng để tăng “miễn dịch đề kháng” cho cán bộ, chiến sĩ trước những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu xâm nhập vào đơn vị. Công tác GDCT, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, GDPL nội dung, hình thức, phương pháp còn đơn điệu, thiếu tính kiên trì giáo dục, thuyết phục, nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh, nên không dự báo được diễn biến tư tưởng của bộ đội; việc lồng ghép, gắn GDCT, tư tưởng với phổ biến, GDPL, rèn luyện kỷ luật, bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho bộ đội còn hạn chế, nên khi gặp tình huống khó khăn, phức tạp dễ dẫn đến chán nản, tiêu cực, mất phương hướng, bế tắc về tư tưởng và hành động”.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng GDCT, tư tưởng của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn biểu hiện chạy theo thành tích, chất lượng cán bộ giảng dạy chính trị tại các đơn vị chưa đều; trình độ năng lực, nhất là kỹ năng sư phạm của cán bộ chính trị đại đội, cán bộ trung đội trưởng, chính trị viên, chính trị viên phó Ban CHQS xã, phường có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cụ thể là phương pháp, hình thức giáo dục còn nặng về đọc chép, thuyết trình, độc thoại. Giáo án, bài giảng chưa được đầu tư chuẩn bị chu đáo, không có nhiều ví dụ minh họa. Dân quân Chu Thị Ánh Tuyết, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây cho biết: “Em thấy học chính trị thường gắn liền với các quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỷ luật quân đội. Để hiểu được, giáo viên phải cụ thể hóa những quan điểm đó bằng những ví dụ thực tiễn diễn ra ngay ở địa phương để chứng minh, thì chúng em mới hiểu được, chứ không rất trừu tượng, khó hiểu và cũng rất ngại học”.
Để khắc phục triệt để tình trạng trên, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDCT, tư tưởng, nhất là đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp giảng dạy. Thượng tá Lại Đức Mạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đông Anh cho biết: “Để nâng cao chất lượng công tác GDCT, tư tưởng, GDPL, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã nhất quán chủ trương đổi mới, nội dung, hình thức giáo dục. Trong đó, chúng tôi tập trung “đột phá” vào đầu tư cơ sở vật chất và con người, đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy, trước khi bước vào huấn luyện, chúng tôi đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, thống nhất nội dung, phương pháp lên lớp sao cho bảo đảm chất lượng; tổ chức hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi để rút kinh nghiệm. Trước khi lên lớp, yêu cầu giáo viên phải có 2 loại giáo án, đó là giáo án cứng soạn thảo trên giấy và giáo án điện tử, được thông qua phê duyệt; quá trình giảng dạy, phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tích cực giao lưu, trao đổi, thảo luận giữa người dạy và người học, kết hợp xem băng hình, video với lấy ví dụ thực tiễn của địa phương để chứng minh làm sáng tỏ vấn đề. Nội dung truyền tải đến người học cái cần, cung cấp những thông tin người học còn thiếu, không sa đà diễn giải vòng vo, khó hiểu, làm cho người học dễ nhàm chán. Sau khi học xong, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả chặt chẽ, lấy kết quả học tập là tiêu chí cơ bản để đánh giá, bình xét thi đua-khen thưởng cuối năm. Qua đó, đã làm chuyển biến căn bản nhận thức, trách nhiệm của bộ đội và DQTV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
NGUYỄN VĂN TUÂN