A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần mạnh tay, quyết liệt hơn với tham nhũng, tiêu cực

 

QPTĐ-Đó là ý kiến của cử tri tỉnh Long An kiến nghị với Quốc hội: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn xảy ra khá nhiều, ngày càng tinh vi hơn. Nhiều vụ việc chậm phát hiện, gây hậu quả nghiêm trọng như các vụ tiêu cực xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, vụ chiếm đất công sản ở Vũng Tàu, các vụ tham nhũng đất đai ở xảy ra Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương. 

Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, các cơ quan chức năng ở Trung ương cần tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham ô, tham nhũng, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này, nhất là các vụ án gây thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. 

Nhiều cử tri ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ các tỉnh, thành phố cũng có chung đề nghị này, không cho phép tồn tại hiện tượng cán bộ cuối nhiệm kỳ “đi chuyến tàu vét” có cơ hội tham ô, tham nhũng hay “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Thật vô lý khi cán bộ có chức, có quyền vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước, tập thể, lại như vô tình, vô ý vi phạm, “không có hành động trục lợi cá nhân”? 

Trả lời kiến nghị cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay (2021-2026), công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. 

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng lực lượng vũ trang-Ông Đoàn Hồng Phong nói. Nếu tính trong thời gian hơn 10 năm qua, kể từ khi Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì số cán bộ thuộc Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật hơn 150 người. 

Hiên nay, công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng được đẩy mạnh, tập trung thanh tra các lĩnh vực kinh tế, ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỉ đồng, 9.258 ha đất. Kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 437 vụ, 259 đối tượng. 

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, tiêu cực, tham nhũng”-Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Làm rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, gây thất thoát, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho hay: Thực hiện kế hoạch năm 2022, Tổ công tác của Tổng cục tập trung chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng lớn như Agribank, VPBank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Techcombank…xử lý các vụ có điều kiện thi hành án, giá trị trên 20 tỉ đồng và 3 năm chưa thi hành xong; sẽ tiến hành kiểm tra việc tổ chức thi hành án tại một số địa phương có vụ việc thi hành án có điều kiện, giá trị lớn, còn tồn đọng lớn. 

Thế mới hay, cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt vô cùng gay go, phức tạp, rất cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. 

MINH NGỌC
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ