A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để chiến sĩ mới vượt khó, gắn bó với đơn vị

Bài 1: Đoàn kết, gắn bó cán binh

Công tác tư tưởng là một mặt của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nó có vai trò quan trọng trong việc nắm, quản lý tư tưởng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, nhất là chiến sĩ mới. Do đó, tiến hành công tác tư tưởng ở đơn vị là trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, góp phần cổ vũ động viên, khích lệ chiến sĩ mới an tâm tư tưởng công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực tế công tác quản lý tư tưởng đối với chiến sĩ mới ở Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 thời gian qua có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chiến sĩ mới nhanh chóng ổn định tư tưởng, gắn bó với đơn vị.

QPTĐ-Đến các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới của Trung đoàn 692, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về các “binh nhì” là nụ cười vui tươi, tinh thần phấn khởi và sự hòa đồng cán bộ, chiến sĩ, trên dưới một lòng đoàn kết, gắn bó trong thực hiện nhiệm vụ.

Ấm áp từ những ngày đầu

          Gần gũi với chiến sĩ mới trong giờ nghỉ giải lao.

 

Khi mới vào đơn vị, ở môi trường mới phải xa gia đình, xa người thân với các chế độ nền nếp được duy trì nghiêm, chiến sĩ mới ở đơn vị gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Trong câu chuyện với Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Trung đoàn 692, chúng tôi được biết: Để chiến sĩ mới có tình cảm với đơn vị ngay từ ngày đầu, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt mọi công tác chuẩn bị về con người và cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi giúp chiến sĩ mới nhanh chóng ổn định tư tưởng, tích cực tham gia các hoat động của đơn vị. Theo đó, đơn vị đã tiến hành rà soát kiện toàn khung cán bộ huấn luyện chiến sĩ mới. Tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp về phương pháp, kỹ năng nắm, quản lý tình hình tư tưởng chiến sĩ. Khi chiến sĩ vào đơn vị, tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống quân đội, đơn vị và vinh dự trách nhiệm của người quân nhân.        

Thực tiễn tại Tiểu đoàn 6, công tác tư tưởng đối với chiến sĩ được tiến hành toàn diện, đồng bộ, từ trên xuống dưới, qua đó tạo cho anh em thấy được sự ấm áp, chia sẻ của đồng đội ngay từ ngày đầu vào đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Lê Huy Tùng, Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 cho biết: Khi tiếp nhận chiến sĩ mới, đơn vị có rất nhiều đồng chí biểu hiện về tâm trạng như buồn, ít nói, thậm trí còn tìm cách xin về… Tuy nhiên, với sự quan tâm sâu sát, chia sẻ, động viên kịp thời của đội ngũ cán bộ các cấp, tư tưởng của chiến sĩ dần ổn định. Để có được kết quả đó, trước khi tiếp nhận chiến sĩ mới, đơn vị đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị về nơi ăn ở, sắp đặt nội vụ vệ sinh, làm đẹp doanh trại, tạo cảnh quan môi trường thân thiện. Cán bộ quan tâm chia sẻ, hỏi thăm động viên kịp thời, tạo cho anh em chiến sĩ có cảm giác thân thiện, gần gũi với đơn vị.   

Khi hỏi về những trường hợp chiến sĩ mới có hoàn cảnh đặc biệt, Trung úy Nguyễn Thanh Duy, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 10 lấy ví dụ cụ thể: Mới vào đơn vị, Trung đội tôi có trường hợp chiến sĩ Vũ Minh Hiếu có biểu hiện tư tưởng buồn chán, ít tiếp xúc với đồng đội. Đây là trường hợp rất kín, ít nói, ít chia sẻ với mọi người xung quanh. Nắm được Hiếu có biểu hiện như vậy, bằng nhiều kênh thông tin, nhất là thông qua số điện thoại gia đình do Hiếu cung cấp, chúng tôi nắm được, trước khi nhập ngũ Hiếu có bạn gái có thai được 5 tháng. Ngay sau đó, chúng tôi đã nhắc tiểu đội trưởng của Hiếu thường xuyên quan tâm, chia sẻ, gần gũi hơn giúp Hiếu mở lòng. Bên cạnh đó, tôi cũng trực tiếp gặp gỡ, động viên, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, tháo gỡ khó khăn cùng Hiếu. Ban đầu, tôi cho Hiếu mượn điện thoại gọi video về trò chuyện với gia đình và người yêu. Mỗi lần nói chuyện, Hiếu được mọi người động viên, cùng với đó là sự chia sẻ, gần gũi của đồng đội nên tư tưởng của Hiếu dần ổn định. Đến nay, Hiếu đã xác định tốt nhiệm vụ, an tâm công tác, hăng hái trong công việc.

Để giúp chiến sĩ mới gắn bó với đơn vị, bên cạnh việc chia sẻ, tâm sự tình cảm với chiến sĩ, đơn vị còn quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, nhất là những lúc ốm đau. Trong điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường, khi vào đơn vị, nhiều chiến sĩ mới chưa kịp thích nghi dẫn đến ốm mệt, phải nghỉ tại trại. Nắm được tình hình đó, chỉ huy đơn vị thường xuyên thăm hỏi, động viên, góp phần khích lệ tinh thần chiến sĩ cố gắng vượt qua. Nhớ lại những ngày đầu chiến sĩ vào đơn vị, Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 rất ấn tượng về Trung sĩ Đinh Văn Khanh, Tiểu đội trưởng, Trung đội 7, Đại đội 2. Anh kể với chúng tôi: Hôm ấy, tôi đi qua phòng quân y của Đại đội, vô tình thấy được hành động gần gũi và câu chuyện giữa Khanh và chiến sĩ Thắng. Tiểu đội trưởng Khanh đưa tay lên chán Thắng kiểm tra nhiệt độ rồi ân cần “Em cố gắng ăn cho mau khỏe nhé!”. Quan sát những cử chỉ, hành động ân cần và lời động viên chân thành ấy, khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự ấm áp, chia sẻ của đồng đội mỗi khi gặp khó khăn.

Cán bộ “bốn cùng” với chiến sĩ

"Bốn cùng" để nắm tư tưởng chiến sĩ mới.

 

Mặc dù có phòng dành riêng cho cán bộ nhưng Trung úy Nguyễn Văn Lợi, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, hằng ngày sau thời gian hoàn thiện sổ sách giáo án, anh lại về phòng chiến sĩ ngủ cùng với anh em. Lợi chia sẻ: “Ngủ cùng với chiến sĩ là biện pháp nhanh nhất rút ngắn khoảng cách cán-binh; đồng thời giúp tôi nắm, dự báo được những diễn biến về tư tưởng thông qua hoạt động, qua biểu hiện vui, buồn để kịp thời định hướng tư tưởng cho chiến sĩ”. Để phát huy hiệu quả “4 cùng” với chiến sĩ, Trung úy Nguyễn Văn Lợi cho rằng: Vai trò của Tiểu đội trưởng vô cùng quan trọng trong việc bám, nắm diễn biến tình hình tư tưởng chiến sĩ mới. Lợi chia sẻ với chúng tôi về trường hợp của chiến sĩ Chu Hữu Thịnh ở Tiểu đội 1. Nhập ngũ được 2 ngày, đơn vị tạo điều kiện để Thịnh gọi điện về cho mẹ. Qua câu chuyện của hai mẹ con, kết hợp với những biểu hiện chấp hành các quy định của đơn vị không nghiêm túc, Tiểu đội trưởng nhanh chóng báo cáo trường hợp của Thịnh với chỉ huy Trung đội. Ngay sau đó, tôi đã liên hệ với gia đình nắm lại tình tình hình, đồng thời giao nhiệm vụ cho tiểu đội trưởng tăng cường nắm diễn biến tư tưởng của Thịnh. Sau khi được Trung đội trưởng gặp gỡ, phân tích, kết hợp với gia đình động viên, Thịnh đã hiểu ra vấn đề. Hôm sau, Thịnh chủ động gặp Trung đội trưởng xin lỗi về những hành động không đúng của mình. Từ hôm đó, tinh thần, thái độ của Thịnh khác hẳn: Hăng hái tham gia hoạt động, chấp hành nghiêm các chế độ nền nếp của đơn vị.

Câu chuyện về chiến sĩ Hà Văn Vương, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 (quê ở Văn Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ) khiến anh em trong đơn vị ai cũng xúc động: Nhập ngũ được 2 tuần, Vương được chỉ huy đơn vị gọi lên thông báo: “Đơn vị vừa nhận được tin từ gia đình, bố đồng chí vừa đột ngột qua đời”. Nghe đến đó, Vương không giấu được cảm xúc liền òa lên khóc. Thấy thế, chỉ huy đơn vị đã động viên chấn an tư tưởng: “Em trưởng thành rồi. Bây giờ, em phải cứng rắn, mạnh mẽ hơn, là chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Vì vậy em phải bình tĩnh để xử lý công việc cho chu toàn...”. Ngay sau đó, đơn vị đã báo cáo cấp trên tạo điều kiện và cử cán bộ đưa Vương về gia đình để lo công việc.

Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Trung đoàn cho biết: Trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị yêu cầu cán bộ các cấp phải luôn sâu sát tỉ mỉ, gần gũi chia sẻ với chiến sĩ. Nhất là đối với cán bộ Trung đội, Tiểu đội phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ để nắm bắt tâm tư tình cảm của chiến sĩ. Cán bộ phải luôn sâu sát gần gũi như người anh, người chị trong gia đình để chỉ bảo, giúp đỡ chiến sĩ mới. Chính vì vậy đến thời điểm hiện tại, chiến sĩ mới cảm thấy gắn bó hơn và coi đơn vị là ngôi nhà thứ hai của mình”.

(Còn nữa)

 Quang Đông


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ