Lục bát qua cầu
Lục bát là lục bát ơi,
Qua cầu đừng để đánh rơi mất vần!
Minh họa.
Đầu năm 1967, khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt, Tiểu đoàn 81 bộ đội phòng không của chúng tôi được lệnh bảo vệ chiếc cầu dã chiến ở phía thượng lưu sông Cầu. Đại đội 63 của tôi được bố trí trên các thửa ruộng trồng ngô, trồng bí của bà con thôn Đông Hạ. Thôn Đông Hạ nằm cách trận địa chúng tôi khoảng 1km, là nơi mà đơn vị sẽ lên phương án tổ chức phối hợp với chính quyền và nhân dân trong thôn về việc thành lập lực lượng dân quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có việc kết nghĩa giữa hai Chi đoàn thanh niên đơn vị và Đông Hạ.
Hôm ấy, Ban chấp hành chi đoàn đơn vị cử tôi vào Đông Hạ để trao đổi với đại diện Chi đoàn địa phương về kế hoạch tổ chức lễ kết nghĩa giữa hai đơn vị. Bước đi trên con đê làng giữa buổi sáng mùa Thu mát rượi, lòng tôi đầy phấn khích, khe khẽ ngân nga bài hát “Chào sông Mã anh hùng” của Nhạc sỹ Xuân Giao… Bỗng một tốp học trò quàng khăn quàng đỏ chấp chới trên ngực ào tới. Chúng reo lên:
-Anh bộ đội ơi!!! Chị ấy đang nhìn anh kìa!
Tôi ngơ ngác không hiểu lũ trẻ nói chị ấy là ai, thì một cô gái khoảng 16, 17 gì đó, tay cầm cái roi chăn bò, đuổi theo lũ trẻ. Chỉ đợi có thế, lũ trẻ òa lên và ù té chạy. Một đứa chợt đứng lại chỉ tay xuống ruộng ngô, gọi to:
-Chị ơi! Bò ăn ngô kìa!!!
Theo tay cậu bé chỉ, hai chú bò đang ngấu nghiến nhai mấy ngọn ngô non. Hốt hoảng, cô gái chạy vội về phía đàn bò, vừa nhặt đất ném vừa xua đuổi. Hai chú bò cong đuôi chạy xuống bờ sông. Tôi đang nhìn theo cô gái, bỗng có mấy tờ giấy còn rất đẹp bay xuống ruộng ngô. Tôi chạy theo định nhặt lên, nhưng chợt thấy quyển vở ở ngay chỗ cô gái vừa ngồi, cùng bị gió thổi sắp bay xuống ruộng. Tôi cầm quyển vở lên, rồi lấy hòn đất chặn lại. Mới liếc qua trang giấy trong quyển vở, tôi đã rất ngạc nhiên:
-A! Thì ra cô gái đang là học sinh lớp 9. Bài tập lượng giác vẫn còn dang dở đây mà. Lúc bấy giờ lớp 9 đã là gần hết chương trình cấp III hệ 10 năm rồi. Con đường vào đại học đang ở ngay phía trước. Ở nông thôn lại trong thời buổi chiến tranh, giặc giã mà học được như cô gái này, là hiếm lắm. Đang nghĩ vẩn vơ như vậy, thì mấy tờ giấy như giấy nháp học trò bị gió thổi tứ tung. Tôi chạy xuống ruộng và nhặt chúng lên:
-Gì thế? –Tôi nhìn vào tờ giấy đang viết dở, thấy nguệch ngoạc mấy câu thơ:
…Mênh mang lục bát anh ơi!
Để cho ao ước muôn đời giống nhau
Bao giờ lục bát qua cầu
Cho em đỡ sợ nông sâu, vơi đầy
Bao giờ sông hẹp gang tay
Cho em được đón một ngày anh sang…
Không biết cô gái tự sáng tác mấy câu thơ này, hay sao chép ở đâu, nhưng ở vào lứa tuổi học trò sắp bước vào đời như cô gái này, thì những xúc cảm như thế là sự ngọt ngào của lứa tuổi đầy mơ mộng... Cô gái này rất có thể trở thành nhà khoa học, hay một nhà thơ, thi sĩ trong tương lai lắm chứ? Suy nghĩ như vậy và sẵn lòng yêu thơ, tôi lấy chiếc bút vẫn cài trên ngực áo, viết ngay một câu ngẫu hứng:
Lục bát là lục bát ơi!
Qua cầu chớ để đánh rơi mất vần.
Cô gái đã xua đàn bò đi xa ruộng ngô non và đang quay trở lại. Cái roi chăn bò trên tay được cô nghịch ngợm quất vun vút vào khoảng không. Tôi cũng đã đi được một đoạn xa trên con đê dẫn vào làng Đông Hạ, lòng khấp khởi mừng thầm vì hy vọng sẽ gây cho cô gái điều bất ngờ…
*
* *
Ban chấp hành Đoàn thanh niên của đơn vị và Chi đoàn thanh niên thôn Đông Hạ đã nhanh chóng thống nhất tổ chức Lễ kết nghĩa vào buổi tối ngay tại đơn vị, với yêu cầu đặt ra là phải ngắn, gọn, hiệu quả và luôn sẵn sàng chiến đấu, đồng thời phải có phương án đảm bảo an toàn cho anh chị em đoàn viên thanh niên của đơn vị bạn, nếu có tình huống.
Đoàn thanh niên thôn Đông Hạ cử 5 đồng chí trong Ban chấp hành và 7 đoàn viên thanh niên trong đội văn nghệ tham gia. Do đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên nội dung, yêu cầu việc kết nghĩa nhanh chóng được thống nhất để chuyển sang chương trình văn nghệ. Phần này thì chị em Đông Hạ chiếm ưu thế bởi những tiết mục dân ca quan họ Bắc Ninh quen thuộc. Đến lượt Chi đoàn đơn vị thì cánh lính pháo thủ đùn đẩy nhau. Đến đây thì Bí thư Chi đoàn thôn Đông Hạ đưa ra sáng kiến, hễ chị em hát xong một bài có quyền chỉ định bất cứ ai, người đó phải hát. Nếu không hát được có thể cầu cứu đồng đội hát thay-Các anh bộ đội đồng ý không? Ai đồng ý phương án này, giơ tay!
Nhiều cánh tay đồng loạt giơ lên, nhưng cũng có những cánh tay miễn cưỡng-Nào! Bắt đầu hiệp một! Bí thư Đoàn Đông Hạ ra hiệu lệnh. Một cô gái chủ động đứng lên-Em sẽ hát để giành quyền chủ động. Cô nói và cất tiếng hát: “...Gửi vào mối chỉ đường kim. Người đi chiến đấu ngày đêm diệt thù. Vất vả dầu dãi nắng mưa. Người ơi, người ơi. Đường kim mối chỉ vá áo cho anh. Để mùa Đông đỡ rét. Để mùa Hạ che mưa”.
Đó là lời ca trong bài hát “Khâu áo gửi người chiến sĩ”, một sáng tác của Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn. Khi tiếng hát đến câu cuối cùng “Tiền tuyến trai anh hùng. Hậu phương gái ư đảm đang” vừa dứt, thì bộ đội reo lên cùng với tiếng vỗ tay rầm rầm-Bây giờ, theo “luật”, em sẽ chỉ định một anh bộ đội hát nhé! -Cô gái nói. Bộ đội đang hứng khởi, bỗng im bặt kéo theo tiếng cười rúc rích… Đừng nhé, đừng nhé! Mình không biết hát đâu...
-Em mời anh Phó bí thư chi đoàn bộ đội! Trời đất! Đó là tôi! Tôi giật mình giữa tiếng hò reo vỡ òa trong không khí đầy phấn khích- Em xin lỗi hỏi anh tên gì ạ?- Cô gái thật thà hỏi-Anh ấy tên là Huy-Huy chương, Huy hiệu, Huy hoàng… là anh ấy đấy! Bộ đội nhao nhao trả lời cô gái. Tuy đã chủ động, nhưng tôi vẫn bối rối vì bất ngờ:-Cảm ơn em! Mà em cũng tên là gì nhỉ? Tôi hỏi lại. Đúng rồi… Cánh lính lại có dịp vùng lên- Tên là gì mà xinh thế! Công nhận, vừa xinh, vừa hát giỏi nữa. Bí thư Chi đoàn Đông Hạ vừa cười vừa liếc xéo một cái vào cánh lính trẻ-Bạn ấy tên là Linh! Diệu Linh. Các đồng chí nhớ chưa? -Rồi ạ! Bộ đội đồng thanh đáp như lớp trẻ mẫu giáo, khiến không ai nhịn được cười.
Tôi bắt đầu hát: “...Trên quê hương quan họ i. Một làn nắng i cũng mang điệu dân ca. Giữa mùa lúa thơm, cánh cò bay đẹp như trong mộng i. Những cô Tấm ngày xưa, như vẫn còn đây trong mùa trẩy hội... Tôi hát không hay, lại hát không có nền nhạc, nhưng lời ca và làn điệu mượt mà của ca khúc như quyện vào người nghe. Đến đoạn điệp khúc thì các bạn nữ Đông Hạ lần lượt đứng lên hát cùng tôi, đồng thời với tiếng vỗ tay theo nhịp của bộ đội, khiến không khí trở nên sôi động, hào hứng.
Buổi lễ kết nghĩa kết thúc và chia tay trong tình cảm đầm ấm và đầy lưu luyến. Tôi có ý muốn hỏi cô gái học lớp 9, mà rất e ngại… Thôi! Để lúc khác vậy. Tôi tự nhủ mình như thế…
*
* *
Cuộc chiến tranh phá hoại do Mỹ leo thang ngày càng quyết liệt. Đơn vị tôi đã đánh nhiều trận để bảo vệ mục tiêu và cũng đã có thương vong, trong đó có trận đánh đáng nhớ nhất vào năm 1968. Chiều hôm ấy, 3 tốp F105 và F4H tập kết tại Yên Tử rồi chúng vòng lên hướng Tây, lợi dụng đúng lúc mặt trời gay gắt nhất, chiếu thẳng vào trận địa ta, địch tiến hành bổ nhào, cắt bom phá cầu. Tuy nhiên, do ta đã lập phương án tác chiến và luyện tập kỹ lưỡng, nên đã không bị bất ngờ. Các loại pháo 100, 57, 37 đồng loạt khai hỏa, khiến máy bay Mỹ không còn giữ được đội hình. Chúng vội cắt bom bừa bãi và tháo chạy tán loạn. Đại đội tôi bị một loạt bom bi và có vài người phải đưa đi cấp cứu, trong đó có Bình-Phó bí thư Chi đoàn.
Dân quân và thanh niên Đông Hạ đã có mặt kịp thời tải thương, tiếp đạn cho bộ đội. Các mẹ chiến sĩ gánh nước chè xanh đem đến từng mâm pháo cho bộ đội, giữa những làn khói bom vẫn còn bay trên trận địa. Đó là hình ảnh đặc trưng của tình quân dân trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
Ngay đêm hôm ấy, đơn vị được lệnh cơ động về vị trí mới và kể từ ấy, chúng tôi bắt đầu xa Đông Hạ. Thế rồi do cuộc chiến có nhiều biến động, Tiểu đoàn tôi hành quân vào Quảng Trị thành lập đơn vị mới. Đó là đơn vị phòng không của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và đơn vị tôi đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cho đến nay, những sự kiện lịch sử ấy đã trôi qua đến hơn nửa thế kỷ, nhưng kỷ niệm về những ngày chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong tôi, kể cả câu chuyện nhỏ nhoi về cô gái làm thơ “lục bát qua cầu” năm xưa…
Hôm ấy, Tiểu đoàn 81 chúng tôi kỷ niệm ngày thành lập ngay trên chính nơi đóng quân 50 năm trước. Ban tổ chức mời cả đại diện chính quyền địa phương, nhân dân và các đồng chí nguyên là đoàn viên thanh niên, dân quân du kích một thời chia lửa với các chiến sĩ trong các trận chiến đấu với không quân Mỹ. Chương trình lễ kỷ niệm mở đầu bằng một số tiết mục văn nghệ và tôi được giới thiệu lên hát bài “Những cô gái quan họ”. Sau một chặng đường lịch sử dài lâu, bài hát tôi hát năm xưa giữa trận địa thời chiến, nay lại trở lại với những cảm xúc mới:
“A quê hương ta biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đảm đang i
Việc nước việc nhà vẹn toàn nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên...”
Nghe đến đây, từ hàng ghế dưới, một vài chị trạc năm, sáu mươi tuổi tiến đến cạnh tôi hát phụ họa, tạo nên hiệu ứng sôi nổi trong hội trường. Kết thúc bài hát, tôi về vị trí của mình, thì một chị tiến đến gần tôi, nói nhỏ:
-Anh không biết em, nhưng em đã biết anh từ lâu.
-Vậy à?- Sao anh lại không biết em nhỉ?-Tôi ngạc nhiên hỏi.
-Anh biết em sao đươc! Chị gái em vẫn kể về anh bộ đội làm thơ năm ấy...
-Làm thơ? Nhưng làm sao chị em lại biết anh làm thơ?
-Đây nhé! “Lục bát là lục bát ơi! Qua cầu chớ để đánh rơi mất vần”, có đúng là thơ anh không?
- Ô! Đúng rồi! Lúc ấy anh thấy mấy câu thơ trong tờ giấy nháp của chị em. Anh họa theo thôi.
-Vậy mà nó vận vào chị em đến tận bây giờ đấy! Chị em bảo, cứ mỗi lần cảm thấy mình yếu đuối lại tự nhủ phải vẹn nguyên tới đích.
-Nhưng chị em là ai? Tên là gì chứ?
-Chị em tên là Diệu Linh. Cô gái hát trên trận địa pháo năm ấy. Chị em là kỹ sư nông nghiệp, bây giờ chị đã nghỉ hưu rồi, ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau lễ kỷ niệm, mấy anh em trong Đại đội 63 của tôi rủ nhau đến thăm trận địa cũ, nhưng nay đã biến thành trang trại lớn. Con đê làng Đông Hạ vẫn còn trong trí nhớ của tôi và cả ruộng ngô non năm ấy với những tờ giấy nháp sắp bị gió thổi tung, trên ấy có cả bài thơ “lục bát qua cầu”… Tôi thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những bài ca, bản nhạc, câu thơ đã làm nên sức mạnh tinh thần cho mỗi người và nó vẫn không ngừng ngân nga, gieo vào lòng người những cảm xúc lớn lao để vượt lên chính mình.
Truyện ngắn của HỮU LONG