A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Eo biển Kerch, đốt nóng quan hệ Nga-Ukraine?         

 

QPTĐ-Ngày 26-11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn sau sự kiện Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nổ súng khống chế, bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine “xâm phạm lãnh hải Nga” ở eo biển Kerch, gần bán đảo Crimea. 

 

 

Chiến hạm Berdyansk, một trong ba tàu Ukraine bị Nga bắt. 
Ảnh: Reuters

 

Phát ngôn viên FSB cho hay: Vào 7 giờ sáng 25-11 (theo giờ Moskva), 2 tàu Hải quân Ukraine được trang bị pháo cùng với 1 tàu kéo đã vượt qua biên giới biển của Nga trên Biển Đen, hướng về eo biển Kerch, đi vào biển Azov (vùng biển nằm giữa Nga và Ukraine), thậm chí đi vào vùng biển mà Nga tạm thời cấm tàu thuyền lưu thông. Lực lượng FSB đưa ra lời cảnh báo, yêu cầu các tàu kia rời khỏi lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nga song bị phớt lờ.

 

Trước việc “tiếp tục các hành động nguy hiểm” của tàu chiến Ukraine, Cơ quan An ninh Nga buộc phải nổ súng, bắt giữ 3 tàu: Berdyansk, Nikopol và Yana Kapu cùng 24 thủy thủ; trong đó có 3 nhân viên Ukraine bị thương đã được chăm sóc y tế, không ai bị đe dọa tính mạng. Đây là vụ “khiêu khích quân sự”, là kịch bản được “phương Tây đạo diễn và  hậu thuẫn”. Trên các tàu có chứa nhiều vũ khí, đạn dược-FSB thông báo. 


Tại Kiev, Tổng thống Ukraine P.Poroshenko triệu tập cuộc họp nội các khẩn với các giới chức an ninh cấp cao ngay trong đêm 25-11. Ủy ban Quốc phòng-An ninh nước này ủng hộ quan điểm của Tổng thống, sẽ áp dụng thiết quân luật trong vòng 60 ngày (bắt đầu từ ngày 28-11) “nhằm bảo vệ người dân và lãnh thổ Ukraine”.

 

Quân đội Kiev được đặt trong tình trạng “báo động khẩn cấp toàn diện”. Bộ Ngoại giao Ukraine ra thông báo, yêu cầu Nga ngay lập tức trao trả tàu chiến và thủy thủ mà Moskva đã bắt giữ; đồng thời, phải bồi thường thiệt hại cho Kiev. “Ukraine hối thúc các đồng minh và đối tác triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những hành động khiêu khích, ví dụ như áp các lệnh trừng phạt mới và cứng rắn hơn với Nga; đồng thời, hỗ trợ quân sự giúp Ukraine bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trong khuôn khổ biên giới được quốc tế công nhận. Chúng tôi xem những hành động hung hăng này là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về Luật Biển và nền tảng pháp lý song phương”-Thông báo của Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ.

 

Trước đó, Chính phủ Kiev tuyên bố, sẽ phạt tù các công dân Nga đến Crimea? Đêm 25-11, một số phần tử quá khích ở Kiev ném bom khói và pháo sáng vào Đại sứ quán Nga, đốt cháy 1 xe ô tô mang biển ngoại giao Nga.


Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cả Ukraine và Nga đều đề nghị Hội đồng Bảo an nhóm họp-Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc N.Haley xác nhận. Liên minh châu Âu (EU) ra thông báo, kêu gọi hai bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng và hy vọng Nga sẽ khôi phục quyền tự do đi lại tại eo biển Kerch. Khối quân sự NATO cũng ra thông báo tương tự như EU. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres kêu gọi các bên kiềm chế, tránh xảy ra xung đột.


Sau sự vụ này, Hải quân Nga lập tức tăng cường tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay chiến đấu Su-25 để bảo đảm an ninh eo biển Kerch và cây cầu thế kỷ. Bộ Ngoại giao Nga chưa đả động gì đến yêu cầu trao trả tàu và người của phía Ukraine; đồng thời, bày tỏ sự phẫn nộ với các hành động nhằm vào phái đoàn ngoại giao Nga. Moskva cảnh báo, những hành động khiêu khích kiểu này nếu còn tái diễn sẽ phải chịu “hậu quả nặng nề”. Các thủy thủ Ukraine sẽ được đưa ra xét xử về tội xâm phạm lãnh thổ trái phép. Nga sẽ đối phó cứng rắn với bất cứ nỗ lực nào nhằm vi phạm chủ quyền của Nga. 


Nga và Ukraine có chung đường biên giới trên bộ, trên biển. Mối quan hệ anh em trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) không còn cơ sở đứng vững sau cuộc Cách mạng Cam, biểu tình đường phố Maidan (2-2014), đảo chính nghị trường lật đổ Tổng thống V.Yanukovych (thân Nga), đưa phái P.Poroshenko (thân phương Tây) lên cầm quyền ở Kiev. Tiếp đến (3-2014), Crimea trở về Nga sau cuộc trưng cầu dân ý với hơn 95% số người đồng thuận. Chính quyền Kiev gọi Nga là “kẻ xâm lược”, “Crimea là vùng lãnh thổ tạm chiếm” và áp dụng các chính sách bao vây, cô lập Crimea.

 

Ukraine rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị. Xung đột miền Đông Donbass nổ ra làm hơn 10.000 người tử nạn, kéo theo nền kinh tế Ukraine suy thoái, lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Kiev cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng Dân quân miền Đông ly khai, chống Chính phủ Trung ương, mặc dù Nga nhiều lần bác bỏ. Khủng hoảng Ukraine không chỉ gây căng thẳng trong quan hệ Moskva-Kiev mà còn là nguyên cớ cấm vận giữa Mỹ, phương Tây với Nga kéo dài trong hơn 4 năm qua (từ 2014 đến nay). 


Ukraine không giấu giếm tham vọng sớm gia nhập EU và NATO, được bộc lộ rõ chính sách “bài Nga, thân Mỹ và phương Tây”. Tuy nhiên, EU không tỏ ra mặn mà với Kiev bởi gánh nặng của nền kinh tế thiếu tự chủ, bộ máy điều hành của Chính phủ kém hiệu quả và tệ tham nhũng tràn lan. NATO đưa Ukraine vào vị thế Quan sát viên hoặc đối tác, tham gia trong các cuộc tập trận chung nhưng dường như lo ngại phản ứng của Nga nên chưa dám kết nạp? Trong khi Nga kiên quyết phản đối chiến lược “NATO hướng Đông” của Mỹ! 


Mấy năm qua, Điện Kremlin ưu tiên đầu tư hàng chục tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng, cung ứng dịch vụ tốt nhất cho Crimea. Sự kiện cây cầu Kerch dài 19km đi vào sử dụng, nối đất liền với bán đảo Crimea là biểu tượng của nước Nga, gắn kết đất đai của bán đảo này và Biển Đen với Đất Mẹ. Nga đưa 4 trung đoàn phòng không S-400 đến Crimea cùng một lực lượng lớn xe tăng, máy bay chiến đấu, Hạm đội Biển Đen hùng mạnh, là lời cảnh báo cho đối phương “chớ đùa với lửa”? Thủ tướng D.Medvedev cho biết: Chính phủ sẽ xây dựng một đường ngầm xuyên biển đến Crimea và quy hoạch, xây dựng hòn đảo này trở thành thành phố du lịch hiện đại, phát triển trong tương lai gần. 


Quan hệ Nga-Ukraine bị đốt nóng sau sự va chạm của tàu chiến hai nước ở eo biển Kerch mà cả hai bên đều cáo buộc nhau khiêu khích. Cả Kiev và Moskva đều tuyên bố chủ quyền với bán đảo Crimea. Tuy nhiên, Nga không bao giờ để mất Crimea một lần nữa, đó là điều hiển nhiên và không thể đảo ngược!


HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ