A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trước thềm năm học mới

QPTĐ-Năm học mới 2023-2024 được khai giảng trong cả nước vào ngày 5/9/2023, đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.  Đây là ngày hội đến trường được tổ chức hằng năm, nhưng năm nào cũng náo nức, rộn ràng trong sắc cờ hoa và trong cái nắng dịu ngọt của mùa Thu tháng Tám.

Lễ khai giảng năm học mới tại trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ.

Ảnh: Thanh Long

Đối với trẻ ngày đầu đến lớp, thì đây là kỷ niệm đầu đời mãi mãi không thể nào quên, còn đối với các bậc phụ huynh thì đây là những dấu ấn về sự trưởng thành của con cháu và luôn là sự mong chờ và chứa chan hy vọng về tương lai con trẻ, được gửi gắm bởi thầy cô giáo, được trưởng thành bởi nền giáo dục cách mạng nước nhà đang từng bước đổi mới.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ GD-ĐT đã tiến hành tổng kết năm học 2022-2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022-2023 là năm nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT. 

Toàn ngành đã nỗ lực và đạt những kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như tình trạng thiếu giáo viên; thiếu trường lớp, quá tải trường lớp; bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường… Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành giải quyết những khó khăn của ngành Giáo dục, cũng như của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". 

Từ quan điểm đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD-ĐT; tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên cho phù hợp, có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiêm túc thực hiện kết luận của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông; đồng thời khắc phục những hạn chế, trong đó chú trọng bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; công tác cung ứng và giá thành SGK.

Bước vào năm học mới 2023-2024, Bộ GD-ĐT đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên. Điều đáng chú ý trong 12 nhiệm vụ của ngành GD-ĐT, có những nhiệm vụ được quan tâm, bao gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn; đẩy mạnh tự chủ... 

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, theo chuyên đề: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bố trí, phân bổ ngân sách Nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2023-2024, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông (GDPT) với việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, Chương trình đã được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường.

Hữu Văn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ