A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nhập vì lợi ích quốc gia, dân tộc

QPTĐ- Trước khi có Nghị quyết 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, Đảng ta đã kế thừa và phát triển chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” từ các kỳ Đại hội IX; Đại hội lần thứ X của Đảng. Ngày 05/02/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”.

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhờ có chủ trương và đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng nên đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội,  gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Ngày 10 tháng 4 năm 2013, Bộ Chính trị khóa XI, đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TƯ về Hội nhập quốc tế, tiếp tục phát huy những thành tựu trong công tác hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. 

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ về Hội nhập quốc tế, mới đây, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” đã họp Phiên  thứ Nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng  Ban Chỉ đạo. Thủ tướng cho rằng, thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ đã tạo bước chuyển lớn về nhận thức, xác định đây là định hướng chiến lược lớn, là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. 

Vị thế chính trị, tiềm lực của đất nước được nâng lên. Quan hệ quốc tế được mở rộng. Diện mạo đất nước thật sự thay đổi tích cực, GDP tăng gần gấp 2 lần so với 10 năm trước. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước, có quan hệ kinh tế-thương mại với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ, là thành viên của hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng. 

Quan hệ giữa nước ta với các nước trên thế giới ngày càng đi vào chiều sâu; hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác được mở rộng. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện, góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình; tham gia sâu rộng vào nhiều FTA và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA…, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước. 

Đây là thời điểm để tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTAs mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới, tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước. 

Thủ tướng nêu rõ, việc hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương, đường lối xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục thực hiện xóa quan liêu bao cấp, đa thành phần đa sở hữu và hội nhập. 

Cùng với đó, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế;  xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hữu Văn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ