A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tuyến Bảo hiểm Y tế

 

QPTĐ-Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), từ ngày 01/01/2021, sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến). Trước đây khi chưa thông tuyến tỉnh, bệnh nhân khám bệnh trái tuyến chỉ được BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú. Nay, người bệnh sẽ được hưởng mức chi trả là 100% đối với những phần được BHYT chi trả.

Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm: Bước đột phá của chính sách y tế

Thông tin này được người dân đón mừng, vì khi thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh nhân được hưởng những điều kiện điều trị bệnh tốt hơn, người dân được quyền chọn lựa theo đúng nhu cầu. Ngược lại về phía các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến dưới thì lo không giữ được bệnh nhân, tuyến trên thì lo “quá tải”, BHYT thì lo chi phí y tế gia tăng sẽ tạo áp lực lớn lên Qũy BHYT. 

Trong một cuộc họp mới đây giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuẩn bị thông tuyến BHYT năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị phải thúc đẩy quá trình thông tuyến BHYT. Thông tuyến BHYT phải đi cùng với việc tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế. Cục Quản lý khám chữa bệnh sớm xây dựng, trình ban hành quy định về cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; quy định số lượng giường bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Sở Y tế sẽ quyết định số lượng giường của từng cơ sở trên địa bàn. Vụ Kế hoạch Tài chính đánh giá về phương thức thanh toán theo định xuất theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng phải xây dựng kế hoạch và chủ động tuyên truyền đến người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH, và người tham gia BHYT hiểu về ý nghĩa của chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh, trách nhiệm tổ chức thực hiện, trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về BHYT.

Theo các chuyên gia y tế, việc thông tuyến BHYT thực sự là một thách thức đối với các cơ sở KCB. Trước hết, Bệnh viện tuyến tỉnh phải tự thay đổi, phải đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật để thu hút người dân ở lại địa phương điều trị. Như vậy, về lâu dài hệ thống y tế sẽ phát triển đồng bộ. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Các bệnh viện đều phải nâng cao chất lượng chuyên môn, để nâng chất lượng chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, đầu tư thêm trang thiết bị, nâng cao về tinh thần thái độ phục vụ. Đổi mới thì sẽ giữ được bệnh nhân, vì bây giờ đã diễn ra sự cạnh tranh giữa các bệnh viện cùng tuyến” . 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng đồng tình với ý kiến trên và khẳng định: “Phải làm thật tốt mới giữ được bệnh nhân, lúc này bệnh viện nào cũng phải làm thật tốt thì mới thu hút được”. Mặt khác, các chuyên gia cũng đề nghị là cần thêm hướng dẫn để điều phối, tránh tình trạng bệnh nhân tập trung quá đông ở những bệnh viện đã quá tải, mà khi bệnh nhân quá tải thì chất lượng khám chữa bệnh cũng không tốt. Hiện nay, một số bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực phía Bắc đã có  đầu tư mạnh như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh… tăng cường năng lực KCB. Trong khi ở phía Nam, nhiều bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh phần lớn đã quá tải, nếu thêm lượng chuyển tuyến sắp tới mà không có điều phối thì bệnh viện sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu KCB của người dân.

Thông tuyến BHYT đúng là có thể sẽ tạo thêm áp lực, tuy nhiên không phải áp lực nào cũng là sự kìm hãm, cản trở, mà ngược lại, chúng còn có thể trở thành động lực cho sự phát triển.

PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ